Cho trẻ ăn dặm sớm hay muộn thì tốt hơn?

- Việc ăn dặm của trẻ luôn là vấn đề khiến nhiều cha mẹ phải đau đầu, từ việc ăn gì, ăn ra sao và khi nào bắt đầu ăn.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là tròn 6 tháng tuổi. 
Ăn dặm quá sớm gây hại ra sao cho trẻ?
Nhiều bậc phụ huynh, chủ yếu là phụ huynh thế hệ trước, thường có quan điểm là trẻ nên được ăn dặm sớm, từ 5 tháng thậm chí là 4 tháng tuổi. Bởi họ cho rằng, sữa mẹ vẫn là dạng “nước”, không đủ no lâu, cho trẻ ăn thức ăn ngoài như cơm cháo thịt rau sẽ khiến trẻ nhanh lớn, sớm cứng cáp hơn. 
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc ăn dặm sớm không hề giúp hệ xương trẻ cứng cáp hay tăng cân nhanh mà còn gây hại tới cơ thể trẻ ở rất nhiều khía cạnh:
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa:
Bộ phận chịu hậu quả đầu tiên và cũng dai dẳng nhất của việc cho trẻ ăn dặm sớm là hệ tiêu hóa. Từ sơ sinh đến giai đoạn trẻ đủ 4 – 6 tháng tuổi, thì hệ tiêu hóa của trẻ mới ở trạng thái đường ruột mở, nghĩa là chỉ sẵn sàng để hấp thu kháng thể trong sữa mẹ, chứ chưa sẵn sàng để tiêu hóa protein trong thực phẩm. 
Hậu quả là trẻ dễ bị táo bón, đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng, nôn trớ. Thêm vào đó, khả năng tiết men tiêu hóa của gan và tụy chưa hoàn thiện, thực phẩm cứng không được men phân rã có thể làm xước bề mặt dạ dày non nớt. Bé có thể sẽ bị viêm loét và đau bụng lúc trưởng thành.
 
Cho trẻ ăn dặm sớm hay muộn thì tốt hơn 2
- Ảnh hưởng hệ hô hấp: 
Nghe có vẻ không liên quan nhưng quả thực vậy, trước 5 tháng tuổi hầu hết các bé đều chưa có phản xạ nhai, tiết nước bọt, do vậy việc nuốt những thực phẩm đặc, cứng sẽ rất khó khăn cho trẻ. 
Trẻ dễ bị nghẹn hoặc sặc, gây viêm nhiễm đường hô hấp của trẻ hoặc thậm chí gây hậu quả nặng nề hơn nếu trẻ bị hóc dị vật vào đường thở.
- Khiến trẻ chậm tăng cân: 
Như đã nói ở trên, việc ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ khó nuốt, dễ nghẹn, lâu dần gây tâm lý sợ ăn, biếng ăn ở trẻ. Bên cạnh đó, việc ăn dặm khiến trẻ bú sữa ít hơn đồng thời vẫn không hấp thu được dưỡng chất từ thực phẩm, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, khiến trẻ chậm tăng cân, chững cân, dễ ốm, dễ dị ứng.
Cho trẻ ăn dặm sớm hay muộn thì tốt hơn 3
Ăn dặm quá muộn gây hại ra sao cho trẻ?
Ngược lại với trường phái ăn sớm, thì lại có những phụ huynh quá sùng tín sữa mẹ, cho con chỉ bú mẹ hoàn toàn đến tận 8 hoặc 9 tháng tuổi, thậm chí muộn hơn mà không biết sẽ gây ra những hệ lụy sau:
- Khiến trẻ thiếu chất, suy dinh dưỡng: 
Như đã nói, sau 6 tháng tuổi, đứa trẻ có sự phát triển vượt bậc về thể chất. Các cơ quan như não bộ lớn hơn, cơ xương khớp to dài và cứng hơn, hệ tiêu hóa bắt đầu hoàn chỉnh. Do vậy, cơ thể bé cần một lượng lớn năng lượng mà sữa mẹ/sữa công thức sẽ không đáp ứng đủ. 
Nếu không bổ sung dinh dưỡng từ nguồn thức ăn ngoài, trẻ sẽ thiếu rất nhiều vi chất, điển hình là sắt, lâu dần khiến trẻ suy dinh dưỡng, chậm lớn, thiếu máu, suy giảm sức đề kháng
Bên cạnh đó, trẻ nếu chỉ bú mẹ sẽ rất nhanh đói, do đó, bé sẽ không ngủ xuyên đêm vì thường xuyên phải thức dậy đòi ti, dẫn đến chất lượng giấc ngủ không cao, cản trở quá trình tăng trưởng chiều cao khi ngủ của trẻ. 
- Kìm hãm khả năng vị giác và khả năng nhai nuốt của trẻ: 
Trẻ có hơn 3000 nụ vị giác, trong khi người lớn chỉ có 500, có nghĩa là trẻ có vị giác nhạy cảm gấp 6 lần người lớn. Nếu cha mẹ cho trẻ ăn dặm muộn, trẻ bị quen thuộc vào vị của sữa thì có thể khó thích nghi hay tiếp nhận vị của thực phẩm khác, dẫn đến kén ăn hoặc biếng ăn.
Ngoài ra, giai đoạn vàng để luyện kỹ năng nhai nuốt cho trẻ là 6-8 tháng, do vậy, nếu mẹ cho trẻ ăn dặm quá muộn, khiến trẻ không được làm quen với hoạt động nhai, thậm chí trì hoãn càng lâu càng khiến trẻ không biết nhai như thế nào, thì khi ăn thực phẩm cứng dễ bị hóc, nghẹn, lâu dần gây sợ ăn biếng ăn. 
Nhiều trẻ đến tận 2 tuổi vẫn không biết nhai nuốt, chỉ có thể ăn cháo hoặc nuốt chửng ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng đường tiêu hóa, thường xuyên bị đau bụng, khó tiêu, táo bón. 
Cho trẻ ăn dặm sớm hay muộn thì tốt hơn 1
Nên cho trẻ ăn dặm khi nào?
Theo các chuyên gia, việc ăn dặm của hầu hết các bé thường bắt đầu từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên tùy vào cơ thể mà có thể sớm hơn nửa tháng hoặc muộn hơn 1 tháng. 
Để xác định đúng thời điểm, cha mẹ nên quan sát những dấu hiệu sau:
- Trẻ thể hiện sự thích thú khi thấy người lớn ăn hoặc khi người lớn đưa thức ăn vào miệng trẻ
- Có phản xạ há miệng, đưa hàm dưới ra để nhận thức ăn hoặc mím môi, ngoảnh mặt đi khi không muốn ăn món nào đó
- Không còn phản xạ lấy lưỡi đẩy vật không phải núm ti
- Bé giữ thẳng được đầu – cổ - lưng
- Biết dùng tay để cầm nắm đồ vật, thức ăn cho vào miệng
Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm để bé ăn ngon chóng lớn
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cha mẹ hãy lưu tâm những điều sau:
- Mẹ hãy bắt đầu cho bé từ những món mềm, nhuyễn, dễ nuốt như cháo loãng, súp. Sau đó mới tăng độ thô dần tùy vào nhu cầu và khả năng của trẻ. Nếu cho trẻ ăn thô hoàn toàn thì cần nấu nhừ thực phẩm để trẻ dễ nhai nuốt.
- Tăng dần số bữa cho trẻ chứ không nên cho trẻ ăn nhiều bữa ngay từ đầu để hệ tiêu hóa của trẻ quen dần với thực phẩm.
- Bổ sung đủ 4 nhóm chất cho trẻ, bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuyệt đối không thiếu nhóm chất nào, đặc biệt là chất đạm và chất béo.
Cho trẻ ăn dặm sớm hay muộn thì tốt hơn 4
- Dụng cụ nấu nướng và ăn uống của trẻ phải tuyệt đối sạch sẽ, tốt nhất là nên dùng riêng với đồ dùng của người lớn. 
- Hạn chế nêm gia vị cho trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, để tránh thận của bé phải làm việc quá tải. Hãy yên tâm vì trong thực phẩm dùng để nấu ăn đã đủ lượng muối cho bé rồi.
- Đồ dễ gây dị ứng như đỗ, lạc, hải sản nên cho trẻ ăn lượng ít trước để kiểm tra dị ứng.
- Các bữa ăn dặm và bữa bú sữa phải cách nhau đủ thời gian, tránh cho trẻ ăn vặt liên tục thì đến bữa dặm bé sẽ ngại ăn
Có thể nói, trước khi suy tính đến vấn đề cho trẻ ăn gì, thì cha mẹ phải chọn lựa thời điểm bắt đầu ăn dặm đúng đắn cho con. Một khởi đầu hợp lý sẽ giúp cả mẹ và bé có hành trình ăn dặm suôn sẻ, đạt hiệu quả cao, bé không những tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mà còn dễ hấp thu được dưỡng chất từ thực phẩm hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây