Tràn lan hội nhóm độc hại kích động tự tử

11/12/2023 11:52 | Cảnh báo
- Thay vì khuyến khích nhau vượt qua căng thẳng hoặc trầm cảm, nhiều nhóm kín trên mạng xã hội Facebook đang thúc đẩy lối sống tiêu cực và thậm chí kích động thành viên tham gia tự tử. Hành vi này vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.
Hãy thử tưởng tượng một ngày, bạn mở Facebook lên và vô tình nhìn thấy những hội nhóm như “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tu tu”, hay “Hội những người muốn tự tử tập thể vì chán cái cuộc sống vô nghĩa” xuất hiện trên đề xuất tìm kiếm của bạn. 
Trên thực tế, các hội nhóm độc hại này ngày càng xuất hiện nhiều với số lượng thành viên đông đảo, có thể lên đến hàng nghìn người, và con số này không ngừng tăng lên theo ngày. 
Hầu hết các bài viết trong nhóm đều chia sẻ sự chán chường đối với cuộc sống, sự thất vọng trong các mối quan hệ và những thất bại trên con đường tìm kiếm việc làm. 
Những hoàn cảnh như gia đình phá sản, bị bạo lực học đường, cô lập nhiều ngày, trầm cảm trong khoảng thời gian dài… là những bài viết nhận về lượng tương tác khủng.
Nguy hiểm hơn, nhiều chủ tài khoản Facebook ẩn danh còn viết những bài hướng dẫn cách tự tử sao cho không đau như: uống thuốc độc, thuốc ngủ, thuốc quá liều, tiêm thuốc độc…. và có những hành vi tác động để nhanh chết hơn. 
Đáng báo động là trong phần bình luận, nhiều thành viên cũng chia sẻ các cách thức tự tử “sáng tạo”, hay bày tỏ sự đồng tình đối với hoàn cảnh của các nạn nhân, thậm chí tag cả bạn bè vào để cùng theo dõi.
Tràn lan hội nhóm độc hại kích động tự tử 1
Độ nguy hiểm của các nhóm độc hại xúi thành viên tự tử
Tự tử là một vấn đề nghiêm trọng ở thanh thiếu niên, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 800.000 người tự tử, trong đó khoảng 150.000 người là trẻ em và thanh thiếu niên. 
Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cũng đang có xu hướng gia tăng.
Theo các nghiên cứu, độ tuổi thanh thiếu niên (từ 10 đến 19 tuổi) là độ tuổi dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Ở giai đoạn này, trẻ đang trải qua những thay đổi nhanh chóng về thể chất, tâm sinh lý và nhận thức. 
Những thay đổi này có thể khiến trẻ cảm thấy bối rối, lo lắng, tự ti, dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đây cũng chính là độ tuổi chính của các thành viên tham gia các nhóm kích động tự tử trên.
Theo các chuyên gia tâm lý học, các thành viên của các hội nhóm tiêu cực, xúi giục tự tử này được xác định đang đối mặt với chứng trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác. Họ đến với nhau thông qua cuộc trò chuyện trực tiếp, đăng bài trên blog và tham gia các hội nhóm công khai trên trang web và Facebook để cùng nhau lập kế hoạch tự sát. 
Trong quá trình này, các thành viên ghi lại những hành động tự sát của mình và nhận phản hồi từ người khác thông qua biểu tượng cảm xúc hoặc bình luận động viên.
Tràn lan hội nhóm độc hại kích động tự tử 2
Nguyên nhân người trẻ có xu hướng tự tử?
Ở giai đoạn thanh thiếu niên, trẻ bắt đầu quan tâm đến ngoại hình, cách ăn mặc, cách giao tiếp,... Nguyên nhân khiến người trẻ tham gia vào các trang web, hội nhóm xúi giục "tự tử" là do họ cảm thấy thất bại trong mối quan hệ tình cảm, bị bắt nạt, là nạn nhân của bạo lực học đường, và thậm chí là do áp lực từ việc đạt điểm kém. 
Ngoài ra, các yếu tố khác như mâu thuẫn gia đình, cha mẹ áp lực, áp lực kinh tế, và sự thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng của gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. 
Tất cả những khó khăn này khiến họ trải qua cảm xúc buồn bã, chán nản và thất vọng, thúc đẩy họ muốn tìm kiếm giải pháp tự tử. Trong tình cảnh cô đơn và tuyệt vọng, nhiều thanh niên tình cờ tiếp xúc với các nhóm tiêu cực và được hướng dẫn hành vi tự tử.
Tràn lan hội nhóm độc hại kích động tự tử 3
Cách ngăn chặn tình trạng người trẻ tìm cách tự tử
Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tự tử, cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình là nơi quan trọng nhất để phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, gia đình cần có những biện pháp để ngăn chặn tự tử ở con em mình, bao gồm:
• Xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin tưởng giữa cha mẹ và con cái.
• Thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con cái về những khó khăn, thách thức mà chúng đang gặp phải.
• Khuyến khích con cái tham gia các hoạt động lành mạnh, vui chơi giải trí.
• Quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con cái.
Tràn lan hội nhóm độc hại kích động tự tử 4
Nhà trường là nơi trẻ em và thanh thiếu niên dành phần lớn thời gian. Do đó, nhà trường cần có những biện pháp để ngăn chặn tự tử ở học sinh như giáo dục học sinh về sức khỏe tâm thần và những nguy cơ dẫn đến tự tử; tăng cường các hoạt động giúp học sinh phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề; xây dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn, không có bạo lực học đường…
Ngoài ra, xã hội cần có những biện pháp để nâng cao nhận thức về tự tử, giảm thiểu kỳ thị đối với những người có ý định tự tử. Các biện pháp này bao gồm:
• Tuyên truyền về sức khỏe tâm thần và những nguy cơ dẫn đến tự tử.
• Xây dựng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên.
• Tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao để giúp thanh thiếu niên phát triển toàn diện.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát là một tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
• Làm chết hai người trở lên;
• Gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
• Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên.
• Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 nhưng chưa gây hậu quả, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tình trạng thanh thiếu niên tìm đến tự sát đang trở nên báo động, buộc phải có sự vào cuộc của nhiều bên để giảm tỷ lệ này, cũng như xoá bỏ các hội nhóm kích động tự tử độc hại trên.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây