Nuôi dưỡng cơ thể bằng các vị của thực phẩm

08/12/2022 20:00 | Sức khỏe dinh dưỡng
- Nhiều người tin rằng họ phải bỏ hương và vị để ăn uống lành mạnh, đặc biệt là vị ngọt. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống hài hòa, hợp lý cần có đầy đủ tất cả các vị để có sự cân bằng về dinh dưỡng.
Phần 1: VỊ NGỌT

Vị không chỉ là một cảm giác ngon trong miệng. Vị của một loại thực phẩm cho bạn biết về đặc chất của nó, từ cách nó ảnh hưởng đến cơ thể của bạn đến cách nó tác động đến tâm trí của bạn. Thức ăn ngọt giúp bạn thoải mái, mềm mại, trong khi thức ăn cay có vị cay nồng khiến bạn nóng bức trong cơ thể cũng như dễ cáu gắt hơn trong tính cách.

Bài viết hôm nay Sống khỏe 360 sẽ đề cập đến vị NGỌT - một trong 6 vị thiết yếu bạn cần mỗi ngày để nạp dinh dưỡng cho cơ thể.

Ai cũng từng biết và trải nghiệm vị ngọt, rất ngon, bổ dưỡng, và dễ gây nghiện. Ăn một thứ gì đó ngọt có thể cảm thấy như được “về nhà”, đó cũng là lý do đồ ngọt thường làm ta cảm thấy thoải mái, mãn nguyện, hài lòng. Chỉ với một lượng nhỏ, đồ ăn ngọt giúp bạn no và bình tĩnh, nhưng nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy nặng nề và khó chịu.

Nhắc đến vị ngọt, chúng ta thường nghĩ ngay đến đường, kẹo, bánh, những sản phẩm được làm từ đường, bột… Tuy nhiên, có rất nhiều thực phẩm phổ biến xung quanh chúng ta có vị ngọt như hoa quả, trái cây, rau củ nhiều tinh bột, thực phẩm làm từ gạo, ngũ cốc, sữa… Nhìn chung, vị ngọt có trong rất nhiều thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày hiện nay. Riêng với các chất tạo ra vị ngọt, ngoài đường là chất làm ngọt nhiều người biết đến nhất thì còn có rất nhiều chất làm ngọt tự nhiên khác có thể thay thế và tốt cho sức khỏe hơn đường như: mật mong, xi-rô lá phong, xylitol, mật mía, chất làm ngọt từ quả la hán, lá cây cỏ ngọt…; rồi các loại đường khuyên dùng như đường nâu, đường thốt nốt, đường phèn…
 
Nuôi dưỡng cơ thể bằng các vị của thực phẩm 1

Vị ngọt được cảm nhận ngay ở đầu lưỡi của chúng ta. Thực phẩm ngọt xây dựng nên các mô trong cơ thể - huyết tương, máu, xương, cơ, mỡ… Vị ngọt cần thiết cho năng lượng, hoạt động nội tạng, sức bền và dinh dưỡng. Do đó nó rất quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất để cơ thể sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, quá nhiều thực phẩm ngọt sẽ dẫn đến dư thừa tại mô “ít được yêu thích nhất” trên cơ thể, đó là MỠ. 

Trẻ em luôn bị hấp dẫn tự nhiên bởi thức ăn có vị ngọt vì chúng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất của cuộc đời, cơ thể đang cần dưỡng chất để xây dựng các mô cho một hình thể trưởng thành trọn vẹn, tồn tại suốt đời. Người lớn thì không cần nhiều thực phẩm ngọt, nhưng một lượng nhỏ đồ ăn vị ngọt là cần thiết trong chế độ ăn uống của chúng ta. Với liều lượng hợp lý, vị ngọt làm tăng độ ẩm bên trong cơ thể, ngăn ngừa mất nước và táo bón, làm dịu các màng nhầy, cân bằng nội tiết tố, tăng tiết nước bọt, làm mịn màng cho làn da và làm dày, mềm mại cho mái tóc…

Vị ngọt vừa phải tốt cho tâm hồn của bạn, giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, phát triển tình yêu, lòng trắc ẩn và niềm vui bên trong bạn. Nhưng quá nhiều thức ăn ngọt có thể dẫn đến sự trì trệ, lười biếng, tham lam, chiếm hữu quá mức, đây cũng là lý do đồ ngọt dễ “gây nghiện”.

Lựa chọn thức ăn ngọt cần xuất phát từ các thực phẩm có vị ngọt tự nhiên như rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc lành mạnh và các chất làm ngọt tự nhiên… Cần hạn chế hầu hết các chất làm ngọt nhân tạo. Bằng cách đó, bạn sẽ không thèm đường tinh luyện - thứ cung cấp nguồn ngọt ít có lợi nhất cho cơ thể. Hãy tìm hiểu và đưa ra những lựa chọn thực phẩm sáng suốt cho sức khỏe của mình, bạn nhé!

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây