Nguyên do nào khiến nhiều người trẻ đã bị ung thư?

26/06/2024 08:44 | Ung thư
- Ngày nay, ung thư không còn là căn bệnh chỉ liên quan đến người cao tuổi mà đang dần trở thành mối đe dọa với cả những người trẻ tuổi, trong độ tuổi đôi mươi và ba mươi. Tại sao một thế hệ đầy sức sống và năng lượng lại phải đối mặt với một căn bệnh nguy hiểm như vậy? Những yếu tố nào đang góp phần làm gia tăng nguy cơ ung thư ở giới trẻ?
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cần đi sâu vào phân tích các nguyên nhân tiềm ẩn và các yếu tố nguy cơ. Từ lối sống hiện đại, áp lực công việc, cho đến các yếu tố di truyền, tất cả đều có thể là những mảnh ghép trong bức tranh phức tạp của bệnh ung thư ở người trẻ. 
Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ ung thư ở những người dưới 50 tuổi, còn được gọi là ung thư khởi phát sớm, đã tăng trên toàn thế giới kể từ năm 1990. 
Tỷ lệ chẩn đoán ung thư ở độ tuổi 40 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những trường hợp này. Việt Nam không phải ngoại lệ khi ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới ung thư và 122.000 người chết vì bệnh này mỗi năm.   
Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp 91 trên tổng cộng 185 nước, trong khi tỷ suất tử vong lại xếp 50. Điều này cho thấy tình hình ung thư ở Việt Nam đang có chiều hướng "trẻ hóa", khi số lượng người mắc ung thư ở độ tuổi trẻ đang tăng lên đáng kể. 
Ngoài các loại ung thư gan, phổi, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều trường hợp ung thư vú, dạ dày, đại tràng, buồng trứng ở tuổi thanh niên - điều mà trước đây thường chỉ gặp ở tuổi trung niên.
Ung thư bắt đầu từ các tế bào phát triển không kiểm soát, tạo thành một khối u ác tính và lan rộng, có thể di căn đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Hiện nhiều loại ung thư vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy bệnh này là do nhiều yếu tố phối hợp tạo nên, như lối sống, môi trường, thói quen, tuổi tác và di truyền.
Nguyên do nào khiến nhiều người trẻ đã bị ung thư 1
Một số người có thể có những đột biến di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ hoặc tạo nên trong quá trình người mẹ mang thai. Trong khi đó, số khác lớn lên trong môi trường ô nhiễm từ không khí, đất hoặc nước; sống ở những khu vực có nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thường xuyên sử dụng các loại thức ăn này. 
Hoặc, người dân có thể tự nấu ăn tại nhà, song không thể kiểm soát hoàn toàn nguồn gốc của các loại thịt, cá, hoa quả. Một số thực phẩm cũng lạm dụng chất bảo quản để tươi ngon; hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng không ghi rõ thành phần và công dụng.
Theo các nghiên cứu, ung thư phổi ở người không hút thuốc chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, đa phần là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 15-35% trường hợp là do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. 
Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ gây phát triển ung thư phổi ở người không hút thuốc bao gồm khói nấu ăn, ô nhiễm môi trường, bệnh phổi tiềm ẩn, virus gây ung thư và nhiều yếu tố khác.
Một số thói quen xấu như tích trữ thức ăn không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ nấm mốc, sản sinh độc tố gây ung thư gan. Ăn nhiều mỡ, đường, thịt đỏ, thực phẩm chế biến, thiếu chất xơ cũng là những thói quen gây hại sức khỏe, dẫn đến béo phì và tiềm ẩn gây ung thư.
Các tác nhân vật lý như tia bức xạ, ánh nắng mặt trời, hay tác nhân hóa học phẩm nhuộm cũng là một trong nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn và virus cũng có vai trò quan trọng trong việc kích thích hình thành ung thư phổi.
Hiện nay, nhiều người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đi khám và tầm soát sức khỏe định kỳ, từ đó giúp phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm. Điều này làm tăng cơ hội chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống cho người mắc bệnh.
Một số loại ung thư như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng... có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.
Nguyên do nào khiến nhiều người trẻ đã bị ung thư 2
Để phòng ngừa bệnh ung thư, người dân có thể áp dụng những phương pháp giảm tất cả yếu tố nguy cơ. Gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư cần lưu ý thăm khám sàng lọc và tầm soát định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. 
Cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, việc tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chú ý tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung cũng là biện pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh ung thư.
Tóm lại, việc phòng ngừa và điều trị ung thư là một vấn đề cần được chú trọng. Việc nhận thức rõ về nguy cơ mắc bệnh và áp dụng những biện pháp phòng ngừa từ gia đình đến cá nhân là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư và tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh.
 Tags: ung thư

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây