Cho trẻ ăn mặn quá sớm – hậu quả khôn lường

08/02/2024 17:14 | Dinh dưỡng cho mẹ và bé
- Muối là thành phần quan trọng cho sự phát triển trí não và sức khỏe con người, tuy nhiên, nên ăn khi nào và ăn bao nhiêu lại cần phải nắm bắt chính xác, nhất là trẻ nhỏ, đối tượng có cấu tạo cơ thể chưa hoàn thiện như người trưởng thành. Việc cho trẻ ăn mặn quá sớm hoặc quá nhiều đều sẽ gây hại nặng nề cho sức khỏe cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ thường cảm thán rằng đồ ăn không gia vị thì quá nhạt nhẽo, khó ăn, nhất là khi con biếng ăn, lại càng “đổ tội” cho việc đồ ăn nhạt làm con chán ăn, do vậy rất tích cực nêm mắm muối khi nấu cho trẻ, sao cho mình thấy vừa miệng thì thôi, mà không biết rằng cho trẻ ăn mặn có những tác hại lớn:
- Gây áp lực lên thận của trẻ, tăng nguy cơ suy thận và tăng huyết áp: 
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ tuyệt đối không nêm mắm muối cho trẻ khi nấu ăn dặm. Bởi giai đoạn này thận của bé chỉ có khả năng lọc bằng 1/3 người lớn, do vậy nếu ăn mặn sẽ gây áp lực lọc cho thận, khiến trẻ tăng nguy cơ suy thận và tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp sau này. 
Đối với trẻ lớn hơn cũng vậy, việc tiếp nạp lượng muối vượt quá so với độ tuổi sẽ gia tăng gánh nặng lên hệ tuần hoàn, tim mạch của trẻ.
Cho trẻ ăn mặn quá sớm 4
- Tạo thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ: 
Ăn mặn quá sớm sẽ khiến trẻ quen với mức độ mặn, càng lớn trẻ lại càng có nhu cầu ăn đậm gia vị hơn. Ăn mặn thường sẽ khát nước, trẻ uống nước nhiều lại no bụng, không muốn ăn, lâu dần sẽ thành chứng biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng.
- Chậm tăng chiều cao, tăng nguy cơ loãng xương: 
Trẻ ăn mặn sẽ uống nhiều nước, dẫn đến đi tiểu nhiều để đào thải natri khỏi cơ thể, vô hình chung đào thải cả những ion quan trọng khác ra ngoài, trong đó có canxi. Lâu dần sẽ khiến trẻ thiếu canxi, còi cọc, chậm lớn, tăng nguy cơ loãng xương sớm khi trưởng thành
- Tăng nguy cơ béo phì
Đối với trẻ lớn, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa ăn mặn và tăng cân vượt chỉ tiêu. 
Cho trẻ ăn mặn quá sớm 1
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp hoặc ung thư: 
Nạp quá nhiều iốt là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tuyến giáp hoặc ung thư, thường gặp nhất là bệnh cường giáp Basedow, biểu hiện đặc trưng là bướu cổ lan tỏa. 
Lượng muối khuyến nghị cho trẻ là bao nhiêu?
Tuy ăn mặn không tốt, nhưng cha mẹ cũng không được loại bỏ hoàn toàn muối khỏi thực đơn của trẻ, bởi Natri, Clo, và I ốt trong muối là những chất quan trọng trong sự phát triển trí não, thể chất của bé. Vậy làm sao để đong đếm lượng chính xác cho con?
Cha mẹ hãy tham khảo bảng khuyến nghị lượng muối từng độ tuổi của Bộ Y tế sau:
Đối với trẻ dưới 1 tuổi: 
- Trẻ dưới 5 tháng tuổi: 0,3 gam muối/ngày ~ tương đương 100mg natri/ngày
- Trẻ dưới 11 tháng tuổi: 1,5 gam muối/ngày ~ tương đương 600mg natri/ngày
Thực tế, đối với những bé dưới 1 tuổi, cha mẹ hoàn toàn không cần nêm muối cho trẻ, bởi lượng natri có trong gạo, thịt, cá, tôm đã hoàn toàn đủ cho nhu cầu natri của bé trong ngày, việc nêm thêm mắm muối là hoàn toàn dư thừa.
Cho trẻ ăn mặn quá sớm 3
Đối với trẻ 1-3 tuổi:
Nhu cầu của trẻ từ 1 đến 2 tuổi là 2,3 gam muối/ngày, tương đương với 900mg natri. Đây cũng là 1 lượng cực kỳ nhỏ, 50% lượng muối cho phép đã nằm trong thực phẩm, do vậy cha mẹ khi nêm nếm phải thật cẩn trọng để không vượt quá định lượng cho phép.
Đối với trẻ 3 tuổi trở lên:
Trẻ trên 3 tuổi cơ bản đã cùng ăn với gia đình, tuy nhiên cha mẹ vẫn nên nêm nếm gia vị cho con nhạt hơn người lớn để tránh nguy cơ thừa muối và tránh hình thành thói quen ăn mặn cho con sau này.
Làm thế nào để phòng tránh trẻ ăn thừa muối mà trẻ vẫn ăn ngon
Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ ăn ngon, đậm đà nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ sức khỏe:
- Kiểm tra thành phần natri của thực phẩm dùng cho con: 
Cha mẹ nên hình thành thói quen này, việc nhận biết lượng natri ở thực phẩm của con sẽ giúp cha mẹ kiểm soát tốt lượng natri mà con nạp vào, tránh được nguy cơ tiêu thụ thừa muối cho phép.
- Ưu tiên nấu ăn tại nhà cho con: 
Mua cháo hay đồ ăn nấu sẵn tuy rất nhanh chóng, tiện lợi, thậm chí ngon hơn “cơm nhà làm”. Tuy nhiên, cha mẹ lại không nắm được thức ăn đó đã được nêm nếm như thế nào, có vượt mức cho phép không. Việc tự nấu ăn cho con không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát được lượng gia vị được cho vào thức ăn. 
- Hạn chế cho con tiêu thụ những đồ ăn nhanh: 
Đồ ăn vặt thường có vị rất cuốn hút, nhưng lại chứa một lượng đường và muối cực lớn, mà hai loại gia vị này ăn nhiều đều vô cùng không tốt cho sức khỏe của trẻ em và thậm chí người lớn. 
Cha mẹ nên cho con ăn các loại hoa quả tự sấy, các loại bánh tự làm, để kiểm soát lượng gia vị trong quá trình chế biến.
Cho trẻ ăn mặn quá sớm 2
- Sử dụng các thực phẩm tách muối, hoặc gia vị giảm mặn dành riêng cho trẻ: 
Nắm bắt được nhu cầu ăn nhạt của trẻ, nhiều đơn vị cung cấp những thực phẩm tách muối như rong biển tách muối, phô mai tách muối để làm thực đơn của trẻ phong phú hơn mà không bị thừa muối. 
Ngoài ra còn có hạt nêm, mắm được gia công giảm độ mặn, phù hợp với việc tạo hương vị thơm ngon cho món ăn mà không khiến những đầu bếp tại gia lo sợ nêm nếm quá tay. Cha mẹ nên lựa chọn địa chỉ uy tín để mua sắm những loại thực phẩm và gia vị này. 
Trẻ em có nụ vị giác gấp 6 lần người lớn, nghĩa là vị giác của trẻ nhạy cảm gấp 6 lần người trưởng thành. Do vậy, cha mẹ hoàn toàn đừng lo trẻ ăn nhạt sẽ chán, mà nêm ít mắm muối không những bảo vệ sự phát triển khỏe mạnh của bé yêu, mà còn khiến trẻ cảm nhận rõ hơn mùi vị của mỗi loại thực phẩm, giúp trẻ hình thành rõ sự yêu thích hoặc không đối với các loại thực phẩm. 
Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi con. 

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây