Khám Phá Lợi Ích Sức Khỏe Từ Hạt Mắc Khén

20/09/2024 11:25 | Cây thuốc quý quanh ta
- Khi nhắc đến gia vị quý giá, hạt mắc khén nổi bật không chỉ với hương vị độc đáo mà còn với những lợi ích sức khỏe vượt trội.
Được sử dụng lâu đời trong ẩm thực dân tộc, hạt mắc khén không chỉ làm tăng hương vị món ăn mà còn mang lại nhiều tác dụng tích cực cho cơ thể. Từ việc hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch đến cải thiện sức khỏe tim mạch, hạt mắc khén đang dần được công nhận là một “siêu thực phẩm” tiềm năng. 
Mắc khén (Zanthoxylum rhetsa DC) là một loại cây thuộc họ Cam quýt (Rutaceae) phổ biến ở Việt Nam. Ngoài tên gọi phổ biến là mắc khén, loại cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây Hoàng lực, cây Sưng, cây Sẻn hôi, cây Xuyên tiêu, cây Chứ Xá (đối với người H'mông), hạt Chiêu Khạt (đối với người Tày).
Mắc khén có thể phát triển đến chiều cao khoảng 15m với đường kính thân cây khoảng 16cm. Vỏ ngoài thân cây có nhiều gai ngắn màu đỏ nhạt. Quả mắc khén có hương thơm đặc trưng và vị hơi đắng nhẹ. Bên trong quả chứa một lõi màu đen bóng gọi là hạt mắc khén, hạt này có mùi thơm gần giống như mùi của quả chanh.
Mắc khén được tận dụng sử dụng tốt đa hầu hết các bộ phận của cây. Lá non, quả và hạt được sử dụng làm gia vị trong nấu ăn. Hạt, quả, vỏ rễ và vỏ thân của cây cũng được sử dụng để làm dược liệu.
Trong y học cổ truyền, mắc khén được sử dụng để chữa bệnh đau nhức cơ bắp, đau răng, viêm họng và cảm lạnh. Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng mắc khén có các hoạt chất có tính kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau.
Ngoài ra, mắc khén cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và dược phẩm. Hạt mắc khén được sử dụng để sản xuất tinh dầu có mùi thơm đặc trưng và có giá trị cao trong ngành công nghiệp hương liệu và mỹ phẩm.
Khám Phá Lợi Ích Sức Khỏe Từ Hạt Mắc Khén 2
Lợi ích xét theo y học cổ truyền
Quả mắc khén chứa nhiều chất có tác dụng lợi tiêu hóa và hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Vị đắng, cay và tính ấm của quả mắc khén giúp kích thích tiêu hóa, hỗ trợ điều trị các chứng tiêu chảy, đầy hơi và các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. 
Tinh dầu từ hạt mắc khén cũng được sử dụng để giảm bệnh thổ tả, một vấn đề phổ biến liên quan đến tiêu hóa.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vỏ rễ của cây mắc khén có thể hỗ trợ điều kinh và lọc máu ở thận. Tính ấm của vỏ rễ cũng giúp giảm nguy cơ bị nhiễm giun sán. Đây là thông tin quan trọng đối với y học cổ truyền, nơi mà việc sử dụng các loại thảo dược tự nhiên để hỗ trợ sức khỏe đã được áp dụng từ lâu đời.
Vỏ thân của cây mắc khén cũng có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền. Tính bổ của vỏ thân giúp hỗ trợ điều trị các tình trạng như tiêu chảy, thấp khớp và hạ nhiệt. Nhờ những tính chất này, mắc khén được coi là một loại thảo dược quý có nhiều công dụng trong việc duy trì sức khỏe và điều trị bệnh tật.
Tuy nhiên, sử dụng mắc khén cũng cần phải được thực hiện dưới sự giám sát của người chuyên môn, bởi vì mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều.
Lợi ích xét theo y học hiện đại
Trong mắc khén chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, vitamin A, mangan, đồng, sắt, kẽm, phốt pho và các loại terpene, carotene và phytosterol. Các thành phần này mang lại rất nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe con người.
Hỗ trợ kích thích tuần hoàn: Mắc khén có thành phần chất sắc, giúp tăng lượng huyết sắc tố và kích thích hệ tuần hoàn cho cơ thể. Điều này hỗ trợ giảm mệt mỏi và lờ đờ do vấn đề về tuần hoàn.
Cải thiện khả năng miễn dịch: Với hàm lượng kẽm cao, mắc khén có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.
Lợi cho đôi mắt: Các vitamin và chất chống oxy hóa trong mắc khén giúp cải thiện sức khỏe cho đôi mắt, duy trì võng mạc khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ thoái hóa điểm vàng, suy giảm thị lực.
Hỗ trợ hệ xương chắc khỏe: Mắc khén chứa các thành phần như mangan, phốt pho, sắt và đồng - những thành phần quan trọng cho sự phát triển của xương. Sử dụng mắc khén có thể giúp xương trở nên chắc khỏe hơn và giảm thiểu các vấn đề về xương như loãng xương.
Khám Phá Lợi Ích Sức Khỏe Từ Hạt Mắc Khén 3
Kiểm soát huyết áp: Hàm lượng kali cao trong mắc khén có thể giúp hỗ trợ các vấn đề về tim mạch như ngăn ngừa cao huyết áp, đau tim, đột quỵ.
Giảm đau: Hạt mắc khén có thể giúp giảm cảm giác đau đớn và khó chịu nhờ các thành phần dinh dưỡng và chất chống oxy hóa.
Chống viêm: Terpene và phytosterol trong mắc khén giúp giảm tình trạng viêm và chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa của tế bào.
Sử dụng mắc khén như thế nào?
Trong Y học cổ truyền, mắc khén được sử dụng trong nhiều bài thuốc để hỗ trợ điều trị một số vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là một số ứng dụng của mắc khén trong Y học cổ truyền:
1. Hỗ trợ giảm bệnh sốt rét kinh niên, bệnh tê thấp:
   - Dùng rễ mắc khén sắc thuốc hoặc ngâm rượu để uống. Lưu ý rằng nếu sắc uống thì mỗi ngày sử dụng khoảng 4 đến 8 gam.
2. Hỗ trợ các vấn đề về dạ dày:
   - Sử dụng mắc khén như một loại gia vị bổ sung vào các món ăn hàng ngày, chẳng hạn như thêm vào nước chấm, nêm nếm thức ăn. Đây là cách sử dụng tương tự như đối với gia vị tiêu, ớt.
3. Hỗ trợ vấn đề về giun sán:
   - Dùng từ 12 đến 15 hạt mắc khén phơi khô, rang thơm, nghiền thành bột mịn sau đó pha với nước ấm để uống mỗi sáng sớm, ngay khi mới ngủ dậy.
4. Hỗ trợ giảm bệnh phong thấp, đau xương khớp:
   - Sử dụng phần rễ cây mắc khén, cắt thành lát mỏng sau đem sấy hoặc phơi khô. Sau đó rang vàng rồi đợi cho nguội. Khi rể đã nguội thì mang ngâm chung với rượu (ngâm theo phân lượng cứ 1kg rễ mắc khén thì ngâm với 2.5 lít rượu trắng). 
Sau 30 ngày thì có thể sử dụng (lưu ý mỗi lần uống không quá 15ml và không uống khi bụng đói).
5. Hỗ trợ giảm đau nhức răng:
   - Lấy hạt mắc khén phơi khô, rang vàng, nghiền thành bột mịn và dùng bột này bôi vào vị trí răng bị đau.
Khám Phá Lợi Ích Sức Khỏe Từ Hạt Mắc Khén 1
Lưu ý quan trọng: Chỉ sử dụng bài thuốc khi có chỉ định của các bác sĩ Y học cổ truyền, không tự ý dùng thuốc. Khi sử dụng cần tuân theo liều dùng và hướng dẫn của bác sĩ.
Một vài lưu ý khi sử dụng hạt mắc khén làm dược liệu
Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể mà mắc khén mang lại cho sức khỏe của con người, tuy vậy khi sử dụng mắc khén với vai trò dược liệu bạn vẫn cần phải lưu ý một số điều sau đây:
Sử dụng mắc khén trong một thời gian dài với tần suất liên tục có thể gây ngộ độc. Do đó, việc sử dụng mắc khén cần phải được kiểm soát và tuân thủ theo chỉ định của các chuyên gia y tế. 
Mắc khén là dược liệu tốt nhưng cũng là vị thuốc có độc, do đó không nên sử dụng quá nhiều kể cả trong các món ăn lẫn khi sử dụng làm phương thuốc. 
Nên lưu ý về các thành phần hóa học có trong mắc khén để tránh trường hợp sử dụng và bị dị ứng do các thành phần hóa học đó. Kiểm tra kỹ lưỡng thành phần của mắc khén trước khi sử dụng sẽ giúp người dùng tránh được những biến chứng không mong muốn do dị ứng hoặc phản ứng không mong muốn với các thành phần hóa học trong mắc khén.
Với nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ, phụ nữ trong thai kỳ hoặc phụ nữ sau sinh, các chuyên gia khuyên rằng không nên sử dụng mắc khén và cả hạt mắc khén. 

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây