Cảnh báo viêm gan B mạn - nguy cơ ung thư gan

26/01/2023 11:52 | Bệnh về máu
- Với chức năng vô cùng quan trọng của gan thì bất cứ các loại bệnh về gan đều được quan tâm và loại bỏ càng sớm càng tốt, tránh để lâu và tái viêm gây nên những sự phát triển của mầm bệnh sau này.
Viêm gan B là một virus hay gây nên bệnh lý ở gan với các tổn thương viêm và hoại tử tế bào gan. Ở những người nhiễm viêm gan B cấp, chỉ có 5% là tiến triển thành viêm gan B mạn ở người trưởng thành, và trong số đó có khoảng 0,5% phát triển thành ung thư gan.
 
Cảnh báo viêm gan B mạn - nguy cơ ung thư gan

Đường lây truyền của virus viêm gan B

Có 3 con đường chính lây truyền virus viêm gan B. Đó là đường máu, đường mẹ - con và đường tình dục. Đường máu hay gặp do truyền máu bị nhiễm viêm gan B, tiếp xúc với máu nhiễm virus qua vết thương hở, xăm, tiêm truyền,... Đường mẹ - con là đường lây truyền chính ở nhiều quốc gia, mẹ có thể truyền cho con cả trước, trong sinh và khi cho con bú. Do vậy, tầm soát viêm gan B ở mẹ để phòng tránh cho con rất quan trọng. Lây qua đường tình dục nên cần thiết dùng các biện pháp an toàn như bao cao su,...

Triệu chứng và chẩn đoán Viêm gan B mạn

Viêm gan B mạn thường có các triệu chứng không đặc hiệu như:
- Chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, có thể thấy đầy tức bụng, đau nhẹ vùng gan là vùng sườn phải.
- Vàng da: vàng da thường gặp trong bệnh nhưng lại khá kín đáo, có thể tự hết dù không điều trị gì, thỉnh thoảng tái lại.
- Sốt: thường sốt là sốt nhẹ, kéo dài. Sốt làm bệnh nhân càng chán ăn hơn.
- Sút cân: người bệnh có thể sút lớn hơn 10% trọng lượng cơ thể, là một dấu hiệu đáng lo ngại.
- Nếu viêm gan bùng phát nặng thì có các triệu chứng là vàng da đậm, rất dễ nhận biết, xuất hiện phù ở chân, tay, dịch trong ổ bụng gây chướng bụng, có thể thấy xuất huyết ở các niêm mạc, nặng nhất là rơi vào tình trạng hôn mê gan.

Ngoài các biểu hiện ở toàn thân và ở gan, có thể có các triệu chứng ở các cơ quan khác như đau xương khớp, các thay đổi ở da như da sạm đi, khô, xuất hiện ban đỏ, mề đay,... Tim mạch có thể bị ảnh hưởng với biểu hiện tăng huyết áp. Các bệnh lý ở đường tiêu hóa hay gặp là viêm loét đại trực tràng, viêm nút quanh động mạch. Ở thận thường gặp bệnh lý viêm cầu thận và hội chứng thận hư, cần phải kiểm soát và theo dõi trong quá trình điều trị.

Để chẩn đoán thường dựa vào các xét nghiệm về chức năng gan gồm bilirubin, men gan, thời gian đông máu prothrombin, số lượng tiểu cầu, là các chỉ số thể hiện chức năng gan, nếu tăng là có bất thường. Để tìm sự có mặt của virus viêm gan B, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm dấu ấn virus, gồm có HBsAg là dấu ấn trên bề mặt của virus, xét nghiệm HBV-ADN cho biết số lượng virus đang được nhân lên, HBeAg cho biết virus đang nhân lên và một số dấu ấn khác. 

Siêu âm, đo độ đàn hồi của gan, sinh thiết gan có thể cho thấy tình trạng xơ gan. Khi có xơ gan bệnh nhân thường có tiên lượng nặng hơn các trường hợp chưa có xơ gan, và tỷ lệ thành ung thư gan cũng cao hơn ở bệnh nhân có xơ gan.

Để phòng tránh bệnh chúng ta nên làm gì?

Viêm gan B lây qua đường mẹ - con, đường máu và đường tình dục là chủ yếu. Do vậy, chúng ta có các nhóm biện pháp sau đây:
- Đường mẹ - con:  Mẹ có thể lây sang cho con cả trước, trong và sau khi mang thai. Vì vậy, nên đi sàng lọc viêm gan B cho mẹ nếu chưa phát hiện trước đây trước khi mang thai để được điều trị sớm. Bởi nếu mức độ hoạt động của virus dưới ngưỡng thì khả năng lây là thấp, mẹ hoàn toàn có thể mang thai và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Tiếp đó trong quá trình mang thai, cần tuân thủ điều trị và theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Mặc dù trong sữa mẹ vẫn chứa một lượng virus nhất định nhưng chỉ lây khi mẹ và con có vết thương hở. Nên mẹ cần vệ sinh, kiểm tra vú, đầu vú trước khi cho con bú xem có vết xước, vết nứt nào không, có bị chảy máu không? Đồng thời kiểm tra con có bị các vết thương như nhiệt miệng, tưa lưỡi,..., nếu có thì không cho con bú.
- Đường máu: Không sử dụng chung bơm kim tiêm, vì đầu kim tiêm tiếp xúc trực tiếp với máu, virus trong máu sẽ theo đó vào máu người lành. Khi tiếp xúc với máu thì cần đeo các phương tiện bảo hộ như găng tay cao su, nhất là khi có vết thương hở. Các vật dụng như dao cạo, bàn chải đánh răng,... cũng có khả năng lây nhiễm, do đó mỗi người nên có riêng những vật dụng này.
- Đường tình dục: quan hệ tình dục an toàn để tránh lây bệnh. Biện pháp đơn giản và có hiệu quả phòng tránh cả các bệnh khác nữa đó là sử dụng bao cao su. Đường lây truyền này hay gặp ở quan hệ tập thể, quan hệ với gái mại dâm,...
- Ngoài ra, tiêm vacccin viêm gan B giúp cơ thể tạo miễn dịch với bệnh là một biện pháp hiệu quả.

Viêm gan B là một bệnh lây truyền qua nhiều con đường, bệnh có thể tiến triển thành ung thư gan. Vì thế chúng ta nên chủ động phòng tránh để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân!

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây