Gout là bệnh gì? Dấu hiệu và triệu chứng bệnh Gout

11/12/2022 20:35 | Bệnh thường gặp
- Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa hay gặp ở nam giới (khoảng 95%), trong lứa tuổi trung niên (30-40 tuổi), đối với nữ giới lại thường gặp ở lứa tuổi 60-70. Ở các nước phát triển, tỉ lệ bệnh gout là 0,02-0,2% dân số.
Gout là bệnh gì?

Purin là một thành phần của ADN và ARN. Sản phẩm của quá trình chuyển hóa các nhân purin là acid uric, sau đó acid uric được đào thải qua thận. Rối loạn quá trình chuyển hóa này gây tăng acid uric máu dẫn tới bệnh gout. 

Nồng độ acid uric trong máu tăng sẽ trở thành các tinh thể urat và lắng đọng trong các mô, phổ biến nhất là lắng đọng ở các khớp. Khi các tinh thể này tiếp xúc với mạch máu gây nên phản ứng viêm, khiến chúng ta sưng, đau khớp dữ dội.
 
gout 1

Nguyên nhân của bệnh gout là gì?

Nguyên nhân gây bệnh có thể do bất thường một số enzym của quá trình chuyển hóa purin như thiếu HPRT, tăng hoạt tính PRPP,...

Cũng có thể do tăng dị hóa purin hoặc giảm thải trừ như trong trường hợp suy thận. Một số trường hợp nguyên nhân còn chưa rõ, nhưng nặng thêm do chế độ ăn.

Triệu chứng của bệnh gout như thế nào?

Gout có thể biểu hiện cấp tính với các cơn cấp điển hình, cơn không điển hình hoặc gout mạn.

            Gout cấp
•    Cơn gout cấp điển hình: thường xuất hiện đau đột ngột ở ngón chân cái, khớp bàn ngón, khớp cổ chân, khớp gối, đau dữ dội, thường đau vào ban đêm, ban ngày có thể giảm. Đau thường xuất hiện sau một bữa ăn nhiều đạm, sau uống rượu, sau chấn thương, phẫu thuật hoặc sau dùng một số loại thuốc. Đau kèm theo sưng, nóng đỏ vùng khớp, có thể kèm theo tràn dịch khớp hoặc phù nề nếu chỉ là khớp nhỏ. Cơn gout cấp đáp ứng tốt với Colchicin, thường giảm hoàn toàn sau 48 giờ, đây cũng là một tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh.
 
gout 2


•    Cơn gout không điển hình: có thể chỉ biểu hiện tràn dịch khớp, cũng có thể chỉ có biểu hiện sưng đỏ khớp, hay có biểu hiện toàn thân chiếm ưu thế như suy nhược, hoặc viêm nhiều khớp cấp và viêm cạnh khớp, dễ nhầm lẫn với một số bệnh.

             Gout mạn

•    Gout mạn: gout sẽ tiến triển thành mạn tính sau vài năm đến vài chục năm. Các cơn gout xuất hiện vài tháng, có thể vài năm mới có một cơn. Cơn càng mau thì càng nặng. Số lượng các khớp tổn thương tăng lên. Các biểu hiện của gout mạn gồm hạt tophi, bệnh khớp mạn tính do muối urat, bệnh thận do gout.

Các xét nghiệm trong bệnh gout:

Xét nghiệm máu có acid uric máu tăng cao, ở nam là trên 6mg/dl, ở nữ là trên 7mg/dl.

Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu để xem tình trạng đào thải acid uric tăng hay giảm, từ đó định hướng nguyên nhân.

Một xét nghiệm quan trọng đó là xét nghiệm dịch khớp, có thể thấy được tinh thể urat trong bệnh phẩm, có vai trò chẩn đoán xác định bệnh. Ngoài ra còn thấy trong dịch khớp có nhiều tế bào bạch cầu đa nhân không thoái hóa.

Vì bệnh có thể ảnh hưởng đến thận nên xét nghiệm chức năng thận được bác sĩ chỉ định.

Xét nghiệm máu có biểu hiện của tình trạng viêm như tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

Chụp Xquang thì trong gout cấp hình ảnh thường bình thường. Trong gout mạn có thể thấy hình ảnh khuyết, hốc, xương có thể có hình ảnh móc câu, hẹp khe khớp, có hình ảnh gai xương.

Điều trị bệnh như thế nào?

Đối với cơn gout cấp, bác sĩ sẽ kê các thuốc chống viêm như colchicine, chống viêm không steroid, corticoid tùy mức độ bệnh và đáp ứng với thuốc của người bệnh. Thường đáp ứng rất tốt chỉ sau 48 giờ.

Để phòng tái phát cơn cấp thì dùng các loại nước khoáng kiềm để kiềm hóa nước tiểu và tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt cho người bệnh.

Đối với gout mạn tính, người bệnh vẫn được dùng kiềm hóa nước tiểu và thay đổi chế độ ăn sinh hoạt, ngoài ra còn được dùng thuốc giảm acid uric máu như allopurinol, probenecid,...

Nên thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt như thế nào?

Như đã trình bày ở trên, bệnh Gout có liên quan nhiều đến chế độ ăn, vì vậy thay đổi chế độ ăn cũng như sinh hoạt rất quan trọng. Để phòng tránh bệnh cũng như phòng cơn gout cấp tái phát thì chúng ta nên duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thích hợp, giảm calo, giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Nên giảm đồ ăn nhiều đạm trong bữa ăn hàng ngày, các chuyên gia khuyên chỉ nên ăn không quá 150g thịt một ngày. Các thức ăn như nội tạng, tôm cua, các loại đậu, cá nhiều mỡ,... chứa nhiều đạm, vì vậy nên tránh ăn. Không nên uống rượu bia vì đây là một yếu tố khởi phát cơn cấp. Nên ăn nhiều rau quả, có thể ăn trứng, sữa.

Một số loại thuốc có thể gây khởi phát cơn nên chúng ta nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Chấn thương, phẫu thuật cũng là một yếu tố khởi phát, vì vậy cần tránh các chấn thương,....

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây