Thoái hóa cột sống cổ và những nguy cơ tiềm ẩn

05/07/2024 17:34 | Xương khớp
- Thoái hóa cột sống cổ ngày càng phổ biến, đặc biệt trong xã hội hiện đại với lối sống ít vận động và công việc văn phòng kéo dài. Không chỉ gây đau đớn và khó chịu, thoái hóa cột sống cổ còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thoái hóa đốt sống cổ là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này có thể bao gồm sự hao mòn của cấu trúc cột sống do tuổi tác, đặc biệt là ở khu vực cổ, dẫn đến những biến đổi trong cấu trúc và chức năng của đĩa đệm, gây ra các vấn đề về linh hoạt và sự thoái hóa của cột sống.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ là sự mất nước của đĩa đệm. Đĩa đệm cột sống hoạt động như một miếng đệm giữa các đốt sống, giúp giảm ma sát và hấp thụ áp lực khi chúng ta di chuyển. Khi tuổi tác tiến triển, đĩa đệm bắt đầu mất nước và co lại, dẫn đến việc xương giữa các đốt sống tiếp xúc với nhau nhiều hơn. 
Thoát vị đĩa đệm cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Khi các vết nứt xuất hiện ở mặt ngoài của đĩa đệm, nhân nhầy có thể chui qua những vết nứt này và đôi khi đè lên tủy sống và rễ thần kinh, gây ra các triệu chứng đau đớn và khó chịu.
Thoái hóa cột sống cổ và những nguy cơ tiềm ẩn 1
Gai xương cũng có thể hình thành do thoái hóa đốt sống cổ. Khi đĩa đệm thoái hóa, có thể xảy ra hiện tượng tăng sinh xương để củng cố cột sống, tạo ra những gai xương. Những gai xương này có thể chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, gây ra đau đớn và rối loạn chức năng.
Ngoài những nguyên nhân trên, xơ cứng dây chằng cũng góp phần vào sự thoái hóa của cột sống cổ. Dây chằng là tổ chức sợi nối xương với xương, giúp duy trì sự ổn định và linh hoạt cho cột sống. Tuy nhiên, khi dây chằng cứng lại theo tuổi tác, sự linh hoạt của cột sống sẽ bị hạn chế, gây ra các vấn đề về sự di chuyển và gây ra đau nhức.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống cổ và dưới đây là những nguy cơ phổ biến gây bệnh: 
Thường xuyên hoạt động sai tư thế:
Một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra thoái hóa đốt sống cổ ở nhiều đối tượng khác nhau là do thường xuyên hoạt động sai tư thế. Các tư thế sai của người bệnh có thể là duy trì một tư thế làm việc quá lâu, ít vận động, đi lại hoặc do tính chất công việc phải cúi đầu, ngửa cổ quá nhiều hoặc thường xuyên mang vác vật nặng trên đầu, trên vùng lưng – cổ. 
Ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, ngồi vặn vẹo, ngủ gục trên bàn… cũng gây ảnh hưởng đến vùng cột sống cổ, lâu dần sẽ gây ra hiện tượng thoái hóa.
Tuổi tác:
Là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nguyên nhân này có tác động nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào chế độ sinh hoạt và chăm sóc bản thân của mỗi người. Các nghiên cứu về xương khớp chỉ ra rằng, độ tuổi trung niên từ 40 đến 50 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ cao nhất. 
Ở giai đoạn này quá trình lão hóa xương khớp bắt đầu được đẩy nhanh đặc biệt nếu trước đó bạn không tuân thủ về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Thoái hóa cột sống cổ và những nguy cơ tiềm ẩn 2
Chế độ dinh dưỡng không khoa học:
Thường xuyên ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, kali, sắt, vitamin… trong thực đơn hàng ngày hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ngọt, đồ uống có gas làm đốt sống dễ dàng bị thiếu dưỡng chất và tình trạng thoái hóa xương khớp sẽ xảy ra.
Do các chấn thương:
Những người từng bị chấn thương tại vùng cổ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể dục thể thao, trong sinh hoạt thường ngày... đều có nguy cơ dẫn đến thoái hóa. Đặc biệt là trong trường hợp các vết thương không được điều trị dứt điểm.
Khi nào thoái hóa cột sống cổ cần phải đi khám?
Thoái hóa cột sống cổ là một vấn đề phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi. Mặc dù hầu hết các trường hợp không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng khi có các dấu hiệu như đau và cứng cổ, người bệnh cần phải đi khám ngay để đảm bảo không gặp phải những biến chứng nghiêm trọng.
Có một số triệu chứng mà người bệnh cần chú ý và đi khám ngay khi gặp phải. Đó là cảm giác ngứa ran, tê rần và yếu ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân. Nếu động tác bị hạn chế và đi lại khó khăn cũng là một dấu hiệu cần phải quan tâm. Mất kiểm soát đại tiểu tiện cũng có thể là một triệu chứng của thoái hóa cột sống cổ.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng của thoái hóa cột sống cổ là hẹp ống sống, chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh, dễ dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như đột ngột bị tê hoặc yếu tay/chân, đại tiểu tiện không tự chủ. Do đó, khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nào từ trên, người bệnh cần phải đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thoái hóa cột sống cổ và những nguy cơ tiềm ẩn 3
Việc đi khám sàng lọc và chẩn đoán sớm thoái hóa cột sống cổ là rất quan trọng để tránh những biến chứng nghiêm trọng và giúp người bệnh có thể tiếp cận các phương pháp điều trị hiệu quả. 
Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ thường được xác định thông qua việc kiểm tra triệu chứng của người bệnh, kết hợp với các phương pháp hình ảnh như cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ hạt nhân (MRI), hoặc X-quang.
Sau khi được chẩn đoán, người bệnh sẽ được tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp nhất. Phương pháp điều trị có thể bao gồm việc thay đổi lối sống, tập luyện vận động, dùng thuốc giảm đau và viêm, hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phẫu thuật.
Trong tất cả các trường hợp, việc đi khám sàng lọc và điều trị thoái hóa cột sống cổ sẽ giúp người bệnh giảm thiểu những biến chứng nghiêm trọng và có thể duy trì cuộc sống hàng ngày một cách thoải mái nhất. 

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây