Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thật là ăn thịt người ?

16/12/2022 18:00 | Cảnh báo
- Thời gian gần đây, báo đài đưa tin về một số ca bệnh Whitmore cùng với cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người”. Vậy đây là bệnh gì? Có thực sự là “vi khuẩn ăn thịt người”? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Whitmore là bệnh gì?
Whitmore, còn được gọi là Melioidosis, là bệnh nhiễm khuẩn ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Chúng thường được tìm thấy trong đất và nước và lan truyền qua người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn chứa mầm bệnh.
Bệnh chủ yếu gặp ở các nước với khí hậu nhiệt đới như Đông Nam Á, Bắc Úc,...
VI KHUẨN GÂY BỆNH WHITMORE CÓ THẬT LÀ “ĂN THỊT NGƯỜI” 1
(Nguồn: vov2.vov.vn)
Bệnh lây truyền qua đường nào?
Vi khuẩn gây bệnh thường có mặt trong đất và nước, vì vậy đây là nguồn lây bệnh chủ yếu. Khi người lành có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất và nước có nguồn bệnh thì vi khuẩn sẽ theo vết thương đó vào cơ thể và gây bệnh. Tuy hiếm xảy ra nhưng bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc với máu và dịch của người bệnh. 
Vi khuẩn cũng có thể lây truyền qua động vật với con đường như trên. Theo các nghiên cứu thì cũng hiếm có trường hợp bệnh lây từ động vật qua người, hoặc từ người sang người.
Những người dễ mắc bệnh là ai?
Những đối tượng tiếp xúc với nguồn bệnh nhiều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người thường. Vì nguồn bệnh ở trong đất và nước nên người làm nông nghiệp thuộc nhóm nguy cơ cao này. Những người có vết thương hở, những người bị bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn cũng thuộc nhóm này. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng có phơi nhiễm cao hơn.
Triệu chứng của bệnh WHITMORE như thế nào?
Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh mà người bệnh sẽ có triệu chứng tương ứng. Theo thống kê, những vị trí hay gặp là nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng da và nhiễm trùng máu.
Ở phổi, bệnh không có triệu chứng đặc trưng mà chỉ có biểu hiện như các bệnh viêm phổi, lao,... Bệnh có thể biểu hiện từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng. Người bệnh có thể có sốt cao cùng với ho, nặng hơn là đau ngực, khó thở, suy hô hấp.
Còn khi vi khuẩn gây bệnh ở da làm xuất hiện những vùng da sưng đỏ, có thể ở khắp nơi trên cơ thể, kèm theo đau. Những vùng da đó có thể tiến triển thành loét, hoại tử da và mô hoặc tạo ổ áp xe. Đây cũng chính là nguyên nhân có người gọi bệnh bằng một cái tên khiến ai cũng hãi hùng - “vi khuẩn ăn thịt người”. Tuy nhiên gây hoại tử mô cũng là đặc tính của nhiều vi khuẩn khác chứ không chỉ mình vi khuẩn này.
VI KHUẨN GÂY BỆNH WHITMORE CÓ THẬT LÀ “ĂN THỊT NGƯỜI” 2 (2)
(Nguồn:baonghean.vn)
Một nhiễm trùng hay gặp ở vi khuẩn này nữa là nhiễm trùng máu, đây là thể nặng nhất. Vi khuẩn có thể từ trong máu lan ra khắp cơ thể. Thường có triệu chứng sốt cao kèm rét run. Đau đầu cũng là triệu chứng hay gặp. Nặng hơn có thể có triệu chứng rối loạn ý thức, suy hô hấp,....
Có thể phòng tránh bệnh được không?
Chúng ta có thể phòng lây truyền bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn. Vì vậy chúng ta nên đi ủng cao su khi làm nông nghiệp, khi làm việc ở môi trường đất, bùn, môi trường nước. Nên đi găng tay cao su khi làm vườn, làm ruộng,... đặc biệt khi có vết thương hở. Những người có đái tháo đường cần chú ý chăm sóc bàn chân, bàn tay cẩn thận, tránh để bị thương hở. 
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh nên sử dụng phương tiện phòng hộ khi lao động như trên là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cần đi khám ngay khi có triệu chứng nghi ngờ để tránh biến chứng nặng.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây