Nguy hiểm chết người vì hội chứng ngưng thở khi ngủ

25/01/2023 18:43 | Tim mạch
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm và có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng tỷ cao vẫn là người có hội chứng béo phì, phì đại các tuyến bạch huyết,..đặc biệt là nam giới trung niên.
Hội chứng ngưng giảm thở khi ngủ -  viết tắt là SAHS, điểm đặc trưng của hội chứng ngưng thở khi ngủ là sự xuất hiện cơn ngừng thở, hoặc giảm thở trong khi ngủ. Những biến cố hô hấp này được đặc trưng bởi việc ngưng thở hoặc giảm lượng khí thở trên 50% trong hơn 10 giây, và xuất hiện trên 5 lần một giờ. Ngưng thở làm cơ thể thiếu hụt oxy, khi nó kéo dài sẽ làm ảnh hưởng không chỉ đến giấc ngủ, mà còn làm rối loạn hoạt động của một loạt các cơ quan như tim, phổi, thận, não… Có thể gây nên tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.
 
Nguy hiểm chết người vì hội chứng ngưng thở khi ngủ

Những ai dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

 Với hội chứng này ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng thường nam giới trung niên có nguy cơ cao nhất. Và tỷ lệ mắc tăng thêm ở những người béo phì, tắc mũi, phì đại các tuyến bạch huyết hoặc amidan, bất thường kích thước và vị trí hàm dưới. Nếu trong gia đình của bạn có người mắc bệnh, thì nguy cơ mắc của bạn cũng cao hơn người bình thường khác.

Nhận biết hội chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?

Dấu hiệu của bệnh hội chứng ngưng thở khi ngủ đó là giấc ngủ bị chập chờn, giảm chất lượng ,không sâu. Vì vậy mà người bệnh thường phải thức dậy vào ban đêm, và buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày. Khi thức dậy không sảng khoái mà chỉ thấy nhức đầu. Dần dần trí nhớ bệnh nhân kém đi, khả năng tập trung giảm, dễ kích thích, rối loạn chức năng tình dục, và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Người thân ngủ cùng bệnh nhân cũng có thể thấy những biểu hiện của bệnh như: tận mắt thấy bệnh nhân ngưng thở, thấy bệnh nhân ngáy to, ngáy nhiều, thở phì phò hổn hển.

Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ có thể chỉ định làm các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh, cũng như nguyên nhân và bệnh lý kèm theo nó. Trong đó quan trọng nhất là đo đa ký giấc ngủ-phương pháp đo lường chất lượng giấc ngủ bằng cách ghi lại những diễn biến của cơ thể trong khi ngủ: biến đổi sóng não, nhịp tim, nhịp thở…Và các phương pháp khác như nội soi tai mũi họng, và các xét nghiệm tìm bệnh lý tim mạch, đái tháo đường,...

Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân gây bệnh, bệnh phối hợp mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân. Từ đơn giản nhất là giảm cân cho những người béo phì; hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc an thần; tập nằm ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa. Cho đến việc sử dụng máy thở áp lực dương, dụng cụ miệng, khí cụ tạo lực cản khi thở ra qua mũi. Và phẫu thuật để điều chỉnh giải phẫu vùng hàm mặt cho bệnh nhân như: cắt amidan, tái tạo vách mũi, chỉnh lưỡi gà, vòm hầu…

Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ của bạn, dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim, làm rối loạn các bộ phận trong cơ thể. Nên cần có những nhận biết sớm và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời để tránh gây ra những hậu quả tới sức khoẻ bạn.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây