Phát hiện sớm tiền sản giật bảo vệ cả mẹ và con

- Nỗi lo lớn nhất của hầu hết phụ nữ trong và sau khi mang thai là đối mặt với các tai biến sản khoa. Một trong số đó là hội chứng tiền sản giật khi mang thai.
Tiền sản giật là bệnh gì?
Tiền sản giật là một bệnh lý do thai nghén gây ra ở nửa sau của thai kỳ, thường xuất hiện từ tuần thứ 21 thai kỳ. Gồm 3 triệu chứng chính là tăng huyết áp, phù và protein niệu.
PHÁT HIỆN SỚM TIỀN SẢN GIẬT BẢO VỆ CẢ MẸ VÀ CON 1
(benhvienthucuc.vn)
Những sản phụ nào có nguy cơ mắc cao hơn?
Theo các nghiên cứu thì sản phụ có tuổi nhỏ hơn 18 tuổi và lớn hơn 40 tuổi có tỷ lệ tiền sản giật cao hơn. Vì trên 40 tuổi thì sản phụ thường có các vấn đề là các nguy cơ khác như đái tháo đường, cao huyết áp,... 
Thứ hai là ở các sản phụ mang thai lần đầu, do đây là lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc với gai rau. 
Một thống kê cho thấy tỷ lệ tái phát ở lần mang thai tiếp theo của các sản phụ đã bị tiền sản giật là 25 - 65%, còn ở những phụ nữ không có tiền sử bệnh chỉ là 1%.
Yếu tố gia đình cũng là một yếu tố nguy cơ. Nếu mẹ của bố đứa trẻ bị tiền sản giật thì tỷ lệ gặp cao hơn bình thường.
Bệnh đái tháo đường làm xuất hiện những tổn thương ảnh hưởng đến nguy cơ của bệnh như tổn thương thận, tổn thương các mạch máu,...
Béo phì và tăng huyết áp thai nghén có mối liên quan với nhau, do vậy cũng làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
Mẹ có tăng huyết áp mạn tính trước đó làm tăng nguy cơ 10 - 25%.
Ngoài ra, mẹ bị bệnh thận, bệnh mô liên kết, hội chứng antiphospholipid hoặc thai thụ tinh nhân tạo cũng có tỷ lệ bệnh cao hơn.
Bệnh có những triệu chứng gì?
Bệnh có 3 triệu chứng chính là tăng huyết áp, phù và protein niệu
Tăng huyết áp
Mẹ sẽ được đo huyết áp ở những tuần trước đó và ở tuần 21 để so sánh. Nếu mẹ có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau thì mẹ có tình trạng tăng huyết áp:
•    Huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg, còn huyết áp tâm trương tăng 15mmHg.
•    Huyết áp trung bình tăng trên 20mmHg.
•    Nếu mẹ không rõ huyết áp trước đó thì huyết áp trên 140/90 mmHg thì được chẩn đoán.
Vì vậy các mẹ nên theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện kịp thời.
Phù
Phù trong bệnh tiền sản giật có đặc điểm là không mất đi khi nghỉ ngơi. Chẩn đoán phù bằng việc theo dõi cân nặng. Nếu cân nặng tăng lên 500 gam trong 1 tuần hoặc 2250 gam trong 1 tháng thì được gọi là phù trong mang thai.
Tuy nhiên, phù cũng có thể là hiện tượng bình thường do trong những tháng cuối, khi mà thai đã to, chèn ép nhiều gây nên phù hai chân. Vì vậy khi có phù thì các mẹ nên loại trừ tiền sản giật, chứ không nên coi luôn đó là bình thường.
Protein niệu
Triệu chứng này cần phải làm xét nghiệm nước tiểu để phát hiện. Nếu có protein niệu > 0,3 g/l trong 24 giờ hoặc >0,5 g/l với mẫu ngẫu nhiên thì là có protein niệu.
Các triệu chứng khác
Các triệu khác có thể xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, đau bụng vùng thượng vị, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, nước tiểu ít dần,... Các triệu chứng này xuất hiện do biến chứng suy gan, suy thận,...
Xét nghiệm có những thay đổi gì?
Xét nghiệm máu có giảm protein máu, tăng ure, tăng creatinin, acid uric tăng, LDH tăng, men gan cũng có thể tăng. Trong tiền sản giật nặng thì có thể có số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/mm khối, sinh sợi huyết giảm do tăng đông máu trong nội mạch, đông máu ở một số cơ quan, có thể gây nên xuất huyết.
Biến chứng của tiền sản giật?
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Một biến chứng thường gặp đó là sản giật, thai phụ sẽ có các cơn giật toàn thân, kể cả sau khi sinh cũng có thể xuất hiện, rất nguy hiểm. 
Tiểu cầu, sinh sợi huyết giảm nên có nguy cơ biến chứng chảy máu, thường gặp ở các vị trí là võng mạc, gan,...
Một biến chứng khác cũng có thể xảy ra là rau bong non. Tức là bánh rau bong ra trước khi thai nhi ra ngoài, nên dẫn tới thiếu oxy cho thai, suy thai. Về phía mẹ, chảy máu nhiều có thể gây sốc, có thể tử vong cả mẹ và con.
Biến chứng suy giảm chức năng gan xuất hiện do co thắt mạch máu kéo dài dẫn đến thiếu máu tới gan, gây hoại tử các tế bào gan. Do vậy chức năng gan suy giảm, trong đó có chức năng đông máu.
Suy thận cũng là một biến chứng, cho thấy ở xét nghiệm với ure, creatinin, acid uric tăng. Các tổn thương của thận này có thể dẫn tới suy thận mạn sau này ở mẹ.
Một biến chứng nguy hiểm khác là suy tim cấp và phù phổi cấp. Mẹ có thể tử vong do ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp và tuần hoàn cơ bản.
Về phía con, em bé có thể đẻ non tháng hay suy dinh dưỡng bào thai, nặng nề hơn là tử vong ngay sau đẻ, thậm chí có thể chết lưu.
Dự phòng bệnh thế nào?
Hiện nay chẩn đoán sớm vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Vì vậy các mẹ nên theo dõi thai kỳ thường xuyên để phát hiện sớm. Trong đó đo huyết áp là một việc các mẹ có thể làm được tại nhà. Hiện nay có nhiều loại máy đo huyết áp tự động giúp các mẹ dễ dàng theo dõi huyết áp của mình.
PHÁT HIỆN SỚM TIỀN SẢN GIẬT BẢO VỆ CẢ MẸ VÀ CON 2
(medlatec.vn)

Bên cạnh đó, theo dõi, điều trị tốt các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp,... cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Cuối cùng, các mẹ nên đi khám ở chuyên khoa khi có các triệu chứng bất thường.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây