Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư

- Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, cung cấp đầy đủ calo và các chất dinh dưỡng thiết yếu vốn dĩ đã rất cần thiết với những người khỏe mạnh. Và đối với những bệnh nhân mắc ung thư thì chế độ ăn uống phải được chú trọng hơn bình thường rất nhiều.
Việc lựa chọn thức ăn cho bệnh nhân ung thư không thể như người bình thường, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho bệnh nhân để chống chọi lại bệnh tật, và đủ sức khỏe để tiếp tục quá trình điều trị.
1. Chế độ ăn uống quan trọng với bệnh nhân ung thư như thế nào?
Hầu hết các bệnh nhân đang mắc ung thư, đang trong quá trình hóa-xạ trị để điều trị bệnh đều gặp phải các rối loạn đáng kể trong sinh lý cơ thể. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bệnh nhân:
→ Cảm thấy khỏe khoắn hơn.
→ Duy trì thể trạng ổn định hơn. 
→ Chống chọi lại được các tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư.
→ Giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
→ Giúp giảm viêm, tăng khả năng của hệ miễn dịch bệnh nhân.
Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư 1
2. Tác dụng phụ khi điều trị ung thư
Hiện nay 3 phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Phẫu thuật làm tăng nhu cầu của cơ thể về năng lượng và chất dinh dưỡng, đặc biệt các phẫu thuật vùng đầu cổ, phẫu thuật liên quan đến thực quản, dạ dày, ruột thì làm ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng ăn uống của bệnh nhân.
Xạ trị là phương pháp dùng tia năng lượng chiếu đến vùng bệnh, và tiêu diệt những tế bào ở đó. Đương nhiên gồm cả tế bào ung thư lẫn tế bào khỏe mạnh. Tổng liều xạ trị càng cao, phần cơ thể điều trị càng rộng, thì các tác dụng phụ càng nhiều. Có thể kể đến như khô miệng, khó nuốt, đau khi nuốt, viêm đại tràng, tiêu chảy…
Hóa trị là chỉ việc đưa vào cơ thể bệnh nhân những hóa chất ngăn cản tế bào ung thư sinh sôi và tiêu diệt chúng. Và cũng như xạ trị, các tế bào khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng bởi hóa trị rất nhiều. Từ đó gây nên tình trạng chán ăn, buồn nôn và nôn, mất cảm giác vị giác, khó nuốt, loét ở miệng họng…
Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư 2
3. Xử lý các tác dụng phụ thường gặp
Chán ăn:
→ Cho bệnh nhân ăn các thực phẩm giàu protein và calo, như đậu, thịt gà, cá, sữa chua, trứng…, và nên cho bệnh nhân ăn khi cảm giác thèm ăn của họ mạnh nhất
→ Chỉ nên nhấm nháp một lượng ít chất lỏng trong bữa ăn như nước, canh.
→ Sử dụng các thực phẩm có mùi thơm. Tránh sử dụng những sản phẩm nhiều dầu mỡ, mùi nồng.
→ Chia thành nhiều bữa trong ngày. Kèm theo luôn chuẩn bị sẵn nhưng thức ăn nhẹ ngay khi bệnh nhân đói.
→ Chế biến thức ăn thành dạng dễ nuốt hơn như súp, sinh tố, cháo
→ Sử dụng một số thuốc kích thích thèm ăn, nhưng bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước nhé.
Buồn nôn:
→ Chọn những thức ăn vị nhạt, dễ tiêu hóa. Tránh thúc ép bệnh nhân ăn nhanh, ăn no, tránh sử dụng thực phẩm có mùi quá nồng.
→ Ăn thực phẩm khô như bánh quy, bánh mì que, bánh mì nướng giòn. Bạn có thể cho bệnh nhân ngậm thử những viên kẹo có mùi dễ chịu như vị chanh, vị bạc hà.
→ Không để cho dạ dày bệnh nhân quá đầy, nhưng cũng đừng để nó trống rỗng. Vì thế hay ăn thành 5 6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa cố định.
→ Ngồi dậy thay vì nằm trong vòng 1 giờ sau khi ăn.
→ Giữ phòng ốc thoáng mát, sạch sẽ.
→ Hỏi bác sĩ điều trị về khả năng sử dụng thuốc chống nôn cho bệnh nhân.
Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư 3
Khô và loét miệng họng:
→ Thức ăn cho bệnh nhân không nên để còn nóng.
→ Sử dụng các món ăn dạng lỏng, thêm nước sốt, xay nhỏ thức ăn… hoặc bất kỳ cách chế biến nào giúp dễ nuốt, thay vì thức ăn cứng dễ làm tổn thương niêm mạc miệng, họng của bệnh nhân.
→ Ăn uống bằng thìa nhựa, ống hút mềm… thay vì sử dụng các đồ vật có đầu nhọn như nĩa, tăm,...
→ Uống nước nhiều, tránh sử dụng rượu bia dù bất kỳ loại nào.
→ Súc miệng nhiều lần trong ngày, với nước muối. Tránh sử dụng các sản phẩm nước súc miệng có chứa cồn.
Thay đổi vị giác:
→ Ăn thịt gia cầm, cá, trứng, phô mai thay vì các loại thịt đỏ.
→ Thêm các gia vị và nước sốt khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân.
→ Cho bệnh nhân thử các loại thức ăn, nước uống có vị chua, mát như như nước chanh, kẹo bạc hà…
→ Sử dụng bát đũa bằng nhựa thay vì làm bằng kim loại.
→ Yêu cầu bệnh nhân nhai kỹ và nhai lâu hơn bình thường
Táo bón:
→ Cho bệnh nhân uống thêm nhiều nước.
→ Cố gắng bổ sung thêm nhiều chất xơ vào bữa ăn như rau, đậu…
Tiêu chảy:
→ Nấu chín kỹ thức ăn cho bệnh nhân. Không nên sử dụng thực phẩm như gỏi, sữa chua chưa tiệt trùng…
→ Bổ sung thêm natri và kali vào cơ thể, ví dụ như sử dụng nước uống thể thao cho bệnh nhân.
Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư 4
4. Ăn kiêng chữa ung thư?
Rất nhiều người, hội nhóm trên mạng xã hội chào mời các cách chữa ung thư bằng ăn kiêng khem kham khổ. Lập luận của nhóm người này là bỏ đói tế bào ung thư để tiêu diệt nó. 
Nhưng bạn nên nhớ rằng tế bào ung thư “tham lam”, và mạnh mẽ hơn các tế bào bình thường khác. Bởi vậy tiêu diệt các tế bào ung thư còn chưa thấy đâu, cơ thể bạn đã yếu đi trông thấy, vô hình chung làm bệnh ngày càng lan rộng hơn. 
Vả lại làm bạn khó có thể đủ sức khỏe để đáp ứng các phương pháp chữa bệnh. Một chế độ ăn mà bệnh nhân ung thư cần nhất là chế độ cân bằng với protein, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, hạn chế sử dụng đường, caffeine, rượu và các chất kích thích khác.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây