Cách ở cữ khoa học cho mẹ bỉm sữa

20/02/2024 09:10 | Khác
- Việc chăm sóc và ở cữ sau khi sinh là một phần quan trọng của hành trình mẹ và bé mới sinh. Trong giai đoạn này, việc áp dụng các phương pháp khoa học và hiệu quả không chỉ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của em bé.
Theo quan niệm của người xưa, thời gian ở cữ sau sinh được coi là rất quan trọng và cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những quan niệm này không hoàn toàn phản ánh đúng về khoa học y học hiện đại và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé. 
Theo các bác sĩ sản khoa, thời gian ở cữ khoa học sau sinh của mẹ bầu tốt nhất là nên trong vòng 30 ngày sau khi sinh (tương đương 1 tháng), trong đó mẹ cần tuân thủ một số quy tắc và chế độ chăm sóc đặc biệt.
• Đầu tiên, sau khi sinh bé khoảng 3 – 4 ngày, mẹ đã có thể tắm rửa để giữ vệ sinh cho cơ thể, giúp mẹ cảm thấy thoải mái và sảng khoái hơn sau quá trình sinh nở. Thậm chí nếu mẹ sinh con trong mùa hè, sau khoảng 1 ngày là mẹ đã có thể lau người cho sạch sẽ và thoải mái.
• Mẹ sau sinh cũng cần hạn chế vận động mạnh và làm việc nặng, đặc biệt là trong những ngày đầu sau khi sinh. Như vậy sẽ giúp cơ thể mẹ phục hồi sau quá trình mang thai và sinh nở mà không gây căng thẳng quá mức. 
• Tránh quan hệ tình dục trong thời gian ở cữ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tuy chế độ kiêng cữ ngày nay đã nhẹ nhàng hơn so với quan niệm truyền thống, nhưng vẫn có những quy định cần tuân theo để đảm bảo cho cả mẹ và bé. Cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ sản khoa và tuân thủ các chỉ dẫn chăm sóc sau sinh để mẹ có thể phục hồi nhanh chóng và an toàn.
Cách ở cữ khoa học cho mẹ bỉm sữa 2
Mẹ bỉm sữa ở cữ như thế nào là khoa học?
Dưới đây là những phương pháp khoa học mà các bà mẹ nên áp dụng để có một giai đoạn ở cữ an toàn và hiệu quả.
1. Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
Sau sinh, mẹ chỉ nên ngồi khi cho bé bú và cố gắng nằm nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Khoảng thời gian còn lại, mẹ hãy thỉnh thoảng đứng lên đi lại nhẹ nhàng. Việc nghỉ ngơi đủ sẽ giúp cơ thể hồi phục sau quá trình sinh nở và tránh được các vấn đề sau này.
2. Ngủ đủ giấc
Trong giai đoạn ở cữ, việc mẹ bầu ngủ đủ giấc là rất quan trọng, giúp cho cơ thể mẹ lấy lại sức khỏe sau khoảng thời gian mệt mỏi sau sinh, đồng thời thúc đẩy quá trình tăng tiết sữa, giúp tuyến sữa hoạt động hiệu quả hơn.
3. Tránh xa các thiết bị điện tử
Việc sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop… là điều nên kiêng kỵ. Mắt mẹ sẽ nhanh mờ nếu giai đoạn đầu sau khi sinh mẹ sử dụng chúng quá nhiều. 
4. Có biện pháp ngừa thai phù hợp
Ngay khi có thể quan hệ tình dục trở lại, mẹ hãy sử dụng các biện pháp tránh thai thích hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn. Mẹ có thể dùng bao cao su, màng ngăn âm đạo, thuốc tránh thai dành cho phụ nữ cho con bú.
5. Chăm sóc vết mổ, tầng sinh môn
Nếu sinh mổ, mẹ cần chú ý chăm sóc các vết thương để tránh viêm nhiễm. Việc ngâm mình trong nước ấm, ngồi trên gối mềm hoặc lau sạch vết mổ từ trước ra sau sẽ giúp mẹ dễ chịu và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn hơn.
6. Chú ý tư thế ngồi, nằm sau sinh
Sau sinh, mẹ không nên ngồi xổm hoặc nằm ngủ trong tư thế ngửa vắt chân, bởi như thế sẽ khiến cho tử cung của mẹ chậm hồi phục, khiến sản dịch bị chảy ra ngoài, thậm chí mẹ có thể bị sa tử cung rất nguy hiểm.
7. Không nên vận động quá mạnh
Tuy việc tập thể dục là tốt cho sự hồi phục sức khỏe nhưng nó chỉ đúng với những bài tập nhẹ nhàng. Mẹ cần hạn chế những bài tập vận động mạnh với cường độ cao vì nó tác động đến các vết mổ.
Cách ở cữ khoa học cho mẹ bỉm sữa 3
8. Không sử dụng chất kích thích
Sau khi sinh, nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì mẹ tuyệt đối không được uống rượu bia vì các chất này có thể đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
9. Kiêng quan hệ tình dục sớm
Theo các chuyên gia, khoảng 4 – 6 tuần sau sinh thì mẹ mới được quan hệ vợ chồng, để cơ thể mẹ đủ hồi phục sau quá trình sinh nở, cả về thể chất lẫn tinh thần.
10. Không sử dụng thuốc bừa bãi
Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, nếu gặp vấn đề gì về sức khỏe mẹ cần đi khám và tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống vì thuốc có thể đi vào sữa và gây ảnh hưởng xấu đến em bé.
11. Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi
Sau sinh, những căng thẳng, mệt mỏi là khó tránh khỏi, thậm chí nhiều mẹ stress quá nhiều dẫn đến trầm cảm sau sinh. Những hormone gây ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi có thể đi vào sữa, khiến bé khó chịu, quấy khóc. 
>>> Hóa chất trong đồ nhựa có thể khiến trầm cảm sau sinh
>>> FDA lần đầu phê duyệt thuốc uống điều trị trầm cảm sau sinh
Vì thế, nếu thấy mệt, hãy nhờ người thân chăm bé để mẹ được nghỉ ngơi và mẹ hãy nghĩ đến những điều tích cực để luôn cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Những sai lầm ở cữ các mẹ bỉm sữa thường gặp
Trong quá trình chăm sóc và nuôi con có rất nhiều quan niệm sai lầm phổ biến mà nhiều người tin tưởng và thực hiện. Dưới đây là một số quan niệm về ở cữ mà chúng ta cần hiểu rõ hơn.
1. Kiêng tắm gội trong một tháng
Quan điểm kiêng tắm gội trong vòng một tháng để hạn chế đau ốm, cảm lạnh và rụng tóc về sau là không đúng. Theo các bác sĩ, sau khi sinh mẹ nên gội đầu thường xuyên để hạn chế mồ hôi bết gây ngứa, nấm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và một vài vấn đề khác
Khi gội đầu mẹ nên dùng nước ấm và cần sấy tóc khô ngay sau khi gội xong, hạn chế để tóc ướt lâu. Bên cạnh đó, mẹ nên tắm bằng nước ấm. Tắm xong có thể thoa rượu hoặc tinh dầu tràm để làm ấm cơ thể và giúp cơ săn chắc.
Cách ở cữ khoa học cho mẹ bỉm sữa 4
2. Phòng ngủ che kín gió
Đóng kín cửa thường xuyên sẽ khiến căn phòng ẩm thấp, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển, có thể gây bệnh cho hai mẹ con. Thỉnh thoảng nên mở cửa sổ cho phòng thoáng mát và để không khí với ánh nắng buổi sáng chiếu vào nhé.
3. Nằm than, hơ nóng
Nằm than, nhất là vào mùa đông sẽ giúp mẹ và bé thấy ấm áp hơn nhưng than khi cháy sẽ sản sinh nhiều khí CO2, gây ngộ độc.
4. Kiêng nói chuyện
Theo quan niệm cũ, nếu sau khi sinh mẹ nói nhiều thì sau này dễ bị nhịu. Quan niệm này không hề có căn cứ khoa học. Mẹ có thể giao tiếp bình thường, chỉ cần hạn chế nói quá to để tránh ảnh hưởng tới thanh quản.
5. Uống nước tiểu trẻ để kích sữa
Đây là một trong những kinh nghiệm dân gian truyền miệng hoàn toàn sai lầm. Nước tiểu là sản phẩm dư thừa được cơ thể đào thải ra ngoài. Tuyệt đối không nên uống nước tiểu. Hoạt động của các tuyến sữa là do tác động của nội tiết tố prolactin từ tuyến yên của người mẹ chứ không liên quan đến chất thải của trẻ.
Cách ở cữ khoa học cho mẹ bỉm sữa 1
6. Không đánh răng và không chải đầu
Sau khi sinh, mẹ có thể ăn nhiều bữa trong ngày, do đó, việc đánh răng là cần thiết. Mẹ có thể sử dụng bàn chải mềm để chải răng nhẹ nhàng bằng nước ấm. Mẹ nên đánh răng 2 lần một ngày vào hai buổi sáng tối, nếu có thể đánh răng, súc miệng sau mỗi bữa ăn thì càng tốt. 
Bên cạnh đó, việc chải đầu hàng ngày, ngoài giúp mẹ có ngoại hình gọn gàng, còn có thể giúp mát xa tóc, để máu nuôi dưỡng tóc tốt hơn và tránh gàu.
Những quan niệm truyền miệng không phải lúc nào cũng đúng và cần được kiểm chứng bởi các chuyên gia y tế. Việc hiểu rõ và áp dụng đúng những thông tin hợp lý sẽ giúp mẹ và bé có môi trường sống và phát triển tốt nhất.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây