5 nguyên tắc ứng xử với con trong “khủng hoảng tuổi lên 3”

- “Khủng hoảng tuổi lên 3” là cụm từ chỉ giai đoạn thay đổi về cách ứng xử của con trẻ. Để có cách ứng xử phù hợp với con thì cha mẹ cần hiểu chuyện gì đang xảy ra với con. Đó là mâu thuẫn giữa nguyện vọng độc lập của con và sự bao bọc, chỉ dẫn của người xung quanh.
Điều này cho thấy cha mẹ không nên áp đặt hay ngăn cản con mà nên áp dụng các nguyên tắc sau:
 
khung hoang tuoi len 3 2

1. Để con sáng tạo:

Giai đoạn này con bắt đầu có tư duy trực quan hình ảnh. Con biết quan sát, suy luận dựa trên hình ảnh của sự vật. Vì vậy, nếu được hướng dẫn đúng con sẽ học được rất nhiều điều hay và mới lạ. Cha mẹ nên dùng các câu hỏi “ tại sao”, “nếu … thì sao…” để kích thích tư duy sáng tạo của con. Đây cũng là cơ hội để tạo sự tự tin khi đưa ra ý kiến cho con.

2. Công nhận ý kiến của con:

Sau khi đã để con thỏa sức sáng tạo để nhận biết và giải thích về thế giới xung quanh thì cha mẹ nên công nhận ý kiến đó. Khi ấy con sẽ thoải mái và dần bộc lộ tính cách cũng như khả năng về các khía cạnh khác nhau như ngôn ngữ, giao tiếp,... Cha mẹ không nên thể hiện thái độ cười cợt, gạt bỏ đi những ý kiến của con, điều ấy khiến con cảm thấy không được thấu hiểu, và dần con sẽ ít chia sẻ ý kiến của mình.

3. Đồng hành cùng con về cảm xúc:

Giai đoạn này con cũng phát triển về mặt cảm xúc. Tình cảm bậc cao dần hình thành, biết nhận biết cái đẹp và thể hiện cảm xúc với nó. Con cũng hay có biểu hiện phản đối, ương bướng, ghen tị, chính là do nguyện vọng độc lập của con như đã nói ở trên. Vì vậy, cha mẹ rất cần nhẹ nhàng, bình tĩnh và lắng nghe con. Hãy gợi mở để con chia sẻ về những gì con đang trải qua, về những cảm nhận của con, vừa giúp cha mẹ hiểu con hơn, cũng giúp con cảm nhận được cha mẹ lắng nghe và hiểu mình, đồng thời giúp chính con bình tĩnh lại với những mong muốn nổi loạn của mình. Và sau đó con sẽ dễ dàng làm theo lời của cha mẹ hơn, như việc bảo con nên xin lỗi, nên cảm ơn hay nên lựa chọn một món đồ chơi phù hợp với con hơn,...

4. Lắng nghe câu chuyện của con:

Ngôn ngữ thời kỳ này của con cũng rất phát triển. Cùng với khả năng tư duy tốt hơn, nhận biết nhiều điều mới mẻ hơn, con hay kể chuyện huyên thuyên hơn. Đây chính là cơ hội để cha mẹ hiểu những gì con thích thú, cũng như cung cấp thêm vốn từ cho con. Con sẽ cảm thấy thoải mái khi được chia sẻ và lắng nghe, từ đó sẽ dễ hợp tác và làm theo hướng dẫn của cha mẹ hơn. Ngoài ra, con có thể sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý kiến một cách hiệu quả và linh hoạt hơn.

5. Học mà chơi, chơi mà học:

Tất cả mọi hoạt động thường ngày dù đơn giản cũng có thể giúp cha mẹ hiểu con, gần gũi con và hướng dẫn con cách ứng xử phù hợp. Ví dụ trong các trò chơi nhập vai, cha mẹ có thể đóng vai cô giáo, anh chị,... và đổi vai lại với con, con có từ cách cha mẹ ứng xử và bắt chước theo, còn cha mẹ có thể cung cấp các chuẩn mực cho con như con nên làm thế này, con là chị, con nên làm thế kia. Như vậy việc dạy con sẽ tự nhiên và đầy vui vẻ.

Việc ứng xử với trẻ khủng hoảng ở tuổi lên 3 không dễ, nhiều ba mẹ thiếu kiên nhẫn đã có những cách hành xử nóng giận, bất đồng với suy nghĩ của con, làm cho tình cảm cha con bị giảm sút, con thì bướng bỉnh hơn,. Dần dần sẽ gây ra mất kết nối giữa con cái và cha mẹ, và chỉ mang tính một chiều từ việc yêu cầu của cha mẹ.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây