3 tư thế cho con bú hiệu quả nhất

- Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ AAP, các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì tiếp trong tối thiểu 1 năm sau đó hoặc lâu hơn tùy vào nguyện vọng của mẹ và trẻ. Từ đó chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của sữa mẹ là rất cần thiết đối với trẻ. Và để giúp trẻ hấp thu một cách tốt nhất sữa mẹ, chúng ta cần chú ý vào những vấn đề sau đây:
Các tư thế bế trẻ khi cho trẻ bú

Có 3 tư thế bế khi cho trẻ bú, dựa trên những ưu điểm riêng biệt của từng cách bế mà chúng ta lựa chọn tư thế phù hợp nhất.
           
- Tư thế bế ẵm: Đặt lưng bé nằm trên cẳng tay, đầu bé ở khuỷu tay. Một tay đỡ mông bé. Sau đó mẹ xoay cẳng tay sao cho toàn thân bé hướng về và áp sát mẹ, miệng bé ngang núm vú. Đặt 2 tay của bé ở 2 phía của bên ngực cho bú. Tay còn lại của mẹ dùng để nâng bầu vú. Nếu cần có thể sử dụng gối để đỡ cơ thể bé và cánh tay đỡ bé của mẹ. Đây là tư thế thông dụng nhất trong việc cho trẻ bú.
            
- Tư thế vắt chéo: Là tư thế tương tự như tư thế bế ẵm, ngoại trừ việc 2 tay của mẹ đổi vai trò cho nhau (bé được đỡ bằng cẳng tay và bàn tay đối bên với bên bú đang bú). Ở tư thế này thì đầu bé được đặt giữa ngón cái và bàn tay của mẹ nên mẹ có thể dễ dàng kiểm soát đầu bé. Chính vì thế đây là tư thế rất tốt trong trường hợp trẻ rất nhỏ hoặc ngậm bắt vú kém.
 
- Tư thế kẹp chặt: Mẹ ngồi thẳng người, dựa lưng vào ghế. Hai bên vai để thẳng và thoải mái. Một bàn tay đỡ vai, cổ, đầu bé, hướng mặt bé lại gần sát ngực mẹ. Đặt lưng bé trên cẳng tay, chân bé thì tì vào phía sau, mông bé ở ngay khuỷu tay mẹ. Kê gối dưới tay mẹ để mẹ được thoải mái và đưa bé lên ngang với vú mẹ. Tay còn lại để nâng bầu vú. Đây là tư thế mẹ có thể quan sát trẻ bú và kiểm soát tư thế của đầu bé, nên thích hợp cho những trường hợp mẹ đẻ mổ, trẻ nhẹ cân/non tháng, hoặc những trẻ gặp khó khăn khi ngậm bắt vú.

Tuy nhiên không nhất thiết phải ngồi cho con bú, đặc biệt là khi mẹ mệt hoặc đẻ mổ, mà có thể vừa nằm vừa cho con bú theo cách như sau: mẹ nằm nghiêng, đầu cao, kê gối ở lưng, đùi, chân gập lại ở đầu gối. Giữ lưng và hông trên 1 đường thẳng. Đặt bé nằm nghiêng, mặt bé sát với ngực mẹ sao cho miệng ngang tầm vú. Dùng cánh tay ở dưới để ôm và giữ trẻ, cánh tay ở trên thì nâng vú.

Dù cho chọn cách nào thì cũng cần tuân theo 4 nguyên tắc sau:

- Đầu và thân trẻ trên cùng 1 đường thẳng.
- Nâng đỡ toàn bộ thân trẻ sao cho sát với người mẹ.
- Mặt trẻ đối diện bầu vú, miệng trẻ đối diện núm vú.
- Cả mẹ và trẻ đều thoải mái.

Giúp trẻ và đánh giá cách trẻ ngậm bắt vú

Khi đã có tư thế đúng thì việc tiếp theo là đặt trẻ vào vú. Đầu tiên đưa môi bé lại vào gần núm vú mẹ, trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách há miệng và đưa lưỡi ra. Sau đó mẹ dùng tay nâng và giữ vú sao cho núm vú thẳng hoặc hơi hướng lên trên, từ từ để quầng vú lọt vào miệng bé. Mẹ đưa bé lại gần mình hơn để giúp trẻ ngậm được càng nhiều quầng vú càng tốt. Cần đảm bảo miệng bé mở rộng, môi dưới cong tròn áp vào bầu vú, cằm bé chạm vào vú, quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới, mũi bé tựa vào vú mẹ những vấn tự do để đảm bảo trẻ ngậm bắt vú tốt. Những trẻ bú đủ sẽ ngủ yên trong khoảng 2 đến 3 tiếng, thường đi ngoài khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày với phân vàng và hơi sệt, bé tăng cân đều từ 500 đến 1000g mỗi tháng.

Với các tư thế trên người mẹ lần đầu tiên làm mẹ cho con bú sẽ hơi bỡ ngỡ, nhưng sẽ quen dần theo thời gian vì đó là những tư thế thoải mái hiệu quả cho em bé để bú được sữa mẹ tốt nhất. Tuy nhiên, khi cho bú người mẹ chú ý bầu vú của mình không để che lấp phần mũi của em bé, tránh trường hợp gây khó thở và làm ngạt em bé.
 

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây