Làm thế nào để nhận ra trẻ bị hen suyễn?

- Hen suyễn là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em, gây ra không ít lo lắng và bất an cho các bậc cha mẹ. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ không chỉ giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm mà còn giúp trẻ có được cuộc sống khỏe mạnh và vui tươi hơn.
Bệnh hen phế quản là một bệnh lý đa yếu tố, do sự tương tác giữa cơ địa của bệnh nhân (di truyền, dị ứng, rối loạn miễn dịch) với yếu tố môi trường (khói thuốc, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng, dị nguyên). Thời gian tương tác giữa các yếu tố này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh lý.
Các triệu chứng của bệnh hen phế quản ở trẻ em có thể bao gồm ho, khò khè, nặng ngực, khó thở. Trẻ bị hen thường có những cơn ho kéo dài, khó chịu và không thể ngủ yên. Các cơn ho có thể xảy ra vào ban đêm, gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Để chẩn đoán bệnh hen phế quản ở trẻ em, cần kết hợp 2 yếu tố quan trọng là triệu chứng và gợi ý. Trẻ bị hen cần xét nghiệm nhằm xác định sự tắc nghẽn luồng khí thở ra bằng cách đo chức năng hô hấp. Tuy nhiên, trẻ nhỏ khó hợp tác và xét nghiệm không có sẵn ở tất cả cơ sở y tế. 
Vì vậy, ở trẻ dưới 5 tuổi, có thể chẩn đoán hen khi trẻ khò khè tái đi tái lại trên 3 lần ở trẻ dưới 12 tháng và trên 2 lần ở trẻ trên 12 tháng) và khò khè được xác nhận bởi bác sĩ.
Điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ em tập trung vào việc giảm triệu chứng và nguy cơ tái phát của bệnh. Phương pháp điều trị thông thường bao gồm sử dụng thuốc giãn cơ phế quản và thuốc kháng viêm để giảm triệu chứng ho và khò khè. 
Có thể tiên lượng trẻ bị hen dựa vào chỉ số tiên đoán hen gồm các yếu tố chàm da, cha mẹ bị hen, trẻ bị dị ứng với dị nguyên hô hấp, dị ứng sữa, viêm mũi dị ứng và khò khè không liên quan đến cảm lạnh. Việc dự đoán và tiên lượng của bệnh sẽ giúp cho việc điều trị và quản lý bệnh tốt hơn.
Làm thế nào để nhận ra trẻ bị hen suyễn 1
Cần làm gì khi trẻ bị lên cơn hen?
Nếu trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh hen trước đó, việc nhận biết và xử lý kịp thời khi trẻ vào cơn hen cấp là rất quan trọng. Phụ huynh cần phải sẵn sàng để giúp đỡ trẻ trong trường hợp này. 
Khi trẻ vào cơn hen cấp, phụ huynh cần cho trẻ thở khí dung hoặc hít thuốc qua bình xịt định liều với thuốc Salbutamol (bình thuốc màu xanh dương) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sau đó, ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc Salbutamol để phun khí dung khi thấy trẻ bị khò khè, hoặc khi trẻ ho nhiều chưa rõ nguyên nhân. Nếu dùng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những tác động phụ không mong muốn và không an toàn cho trẻ.
Để bệnh hen không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, cha mẹ cần xác định và tránh các tác nhân gây cơn hen cấp. Khi ghi lại nhật kí hen suyễn (số lần lên cơn, thời gian lên cơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ như thế nào) là một cách hữu ích để giúp bác sĩ hiểu rõ tình hình sức khỏe của trẻ và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Cha mẹ cần phải hiểu rõ về cách thức và thời điểm sử dụng thuốc điều trị bệnh hen suyễn; đảm bảo kỹ thuật sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, không tự ý ngưng các thuốc dự phòng khi thấy diễn tiến bệnh ở trẻ tốt lên; không dùng thuốc theo mách bảo, nhất là uống thuốc nam, thuốc bắc để điều trị hen… 
Trong quá trình điều trị và quản lý bệnh hen suyễn ở trẻ em, việc hợp tác chặt chẽ với bác sĩ là điều không thể thiếu. Bác sĩ sẽ giúp đỡ cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh lý, cách thức điều trị và những biện pháp phòng ngừa cần thiết. 
Làm thế nào để nhận ra trẻ bị hen suyễn 2
Theo triệu chứng, bệnh hen suyễn ở trẻ được phân loại thành ba kiểu hình chính. Đó là hen suyễn khởi phát do virus, hen suyễn khởi phát do vận động và hen suyễn khởi phát do nhiều yếu tố. 
Hen suyễn khởi phát do virus thường xuất hiện khi trẻ bị khò khè từng đợt kèm theo bệnh viêm đường hô hấp trên do virus, không có triệu chứng giữa các đợt này. Trong khi đó, hen suyễn khởi phát do vận động thường xảy ra sau khi trẻ vận động gắng sức, ngoại trừ lúc này ra, trẻ không có triệu chứng. 
Cuối cùng, hen suyễn khởi phát do nhiều yếu tố là khi trẻ bị khò khè do nhiều yếu tố như thời tiết, vận động, virus, dị nguyên và có triệu chứng giữa các đợt khò khè này.
Ngoài ra, bệnh hen suyễn ở trẻ cũng được phân loại theo thời gian thành ba kiểu hình chính. Đó là hen suyễn thoáng qua, hen suyễn kéo dài và hen suyễn khởi phát muộn. Hen suyễn thoáng qua xảy ra khi trẻ có triệu chứng hen suyễn và kết thúc trước 3 tuổi, thường gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân, gia đình có người hút thuốc lá, tái nhiễm virus nhiều lần, thường gặp ở trẻ không có cơ địa dị ứng. 
Trong khi đó, hen suyễn kéo dài là khi trẻ có triệu chứng hen suyễn trước 3 tuổi và tiếp tục sau đó. Cuối cùng, hen suyễn khởi phát muộn là khi trẻ có triệu chứng hen suyễn sau 3 tuổi.
Việc phân loại kiểu hình của bệnh hen suyễn ở trẻ giúp cho việc chuẩn đoán và điều trị bệnh được hiệu quả hơn. Cần phải lưu ý rằng mỗi trường hợp bệnh hen suyễn ở trẻ có thể có những đặc điểm riêng biệt và cần được xem xét kỹ lưỡng để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây