Bệnh phong có còn nan y?

26/01/2023 13:58 | Bệnh thường gặp
- Bệnh phong đã từng được coi là chứng nan y khó chữa và được cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nhưng hiện nay thì gần như không ai còn biết và quá lo lắng về nó vì bệnh phong được điều trị khỏi hoàn toàn.
Phong là 1 bệnh da nhiễm khuẩn do trực khuẩn Mycobacterium Leprae gây nên. Cơ thể những bệnh nhân phong sẽ bị biến dạng và bị khuyết tật nghiêm trọng, làm cho xã hội kỳ thị và xa lánh họ. Và trước đây, phong từng được xếp vào trong “tứ chứng nan y”, cho đến khi có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là liệu pháp kháng sinh hiệu quả với bệnh vào những năm 1940. Hiện nay, bệnh phong hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng gì nếu được phát hiện sớm. Môt lưu ý là bệnh phong hoàn toàn có thể lây từ người sang người, tuy nhiên rất khó lây mà phải hội tụ nhiều yếu tố khác nhau như: bệnh nhân mắc thể bệnh nhiều vi khuẩn, da niêm mạc phải bị tổn thương, người lành phải không có đề kháng với bệnh…
 
Bệnh phong có còn nan y?

Triệu chứng và biến chứng của bệnh phong

Bởi thời gian nhân đôi của vi khuẩn phong khá dài (khoảng 2 tuần), nên thông thường phải sau nhiều năm bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng ở da, hệ thần kinh, và gây rối loạn dinh dưỡng. Trên da, tổn thương có thể ở 1 trong 4 dạng: dát (những vết thay đổi màu sắc da, không nổi cao, ranh giới rõ với da lành), củ (thương tổn nổi cao lên, ở giữa lành, lên sẹo), u cục, và những mảng thâm nhiễm. Bệnh phong làm gây ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thần kinh ngoại vi, gây tê bì, yếu rồi liệt. Các dây thần kinh thường bị tổn thương là thần kinh trụ, thần kinh quay, thần kinh giữa, thần kinh cổ nông… Ngoài ra, bệnh còn làm rối loạn dinh dưỡng gây rụng lông mày, loét, teo cơ, xốp và tiêu xương.

Bệnh diễn biến chậm qua nhiều năm, nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng làm thay đổi vẻ ngoài như: biến dạng và mất các ngón làm cho bàn tay/bàn chân bệnh nhân dị dạng, thủng loét bàn chân dẫn đến nhiễm khuẩn tại chỗ và xa hơn là nhiễm khuẩn lan tỏa toàn thân, mất vách ngăn mũi làm cho khuôn mặt của bệnh nhân biến dạng, viêm mống mắt, sẹo giác mạc và mù lòa… Để tránh mắc phải những biến chứng nguy hiểm trên, người bệnh nên đi thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc phong sau: trên cơ thể bạn xuất hiện những mảng da bị đổi màu, đặc biệt là có kèm theo giảm hoặc mất cảm giác vùng đó-bệnh nhân không còn cảm thấy đau/nóng/lạnh ở vùng đó nữa, teo các cơ đầu chi, sưng đau các dây thần kinh như thần kinh trụ/thần kinh hông khoeo ngoài…
 
Điều trị bệnh phong

Với những bệnh nhân phong thể ít vi khuẩn, chỉ sau khoảng 5 ngày sử dụng kháng sinh Rifampicin là hoàn toàn không còn lây nữa. Sau đó bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị trong nhiều tháng tiếp theo với kháng sinh. Với những bệnh nhân thể nhiều vi khuẩn thường sẽ phải đa hóa trị liều trong thời gian dài hơn, thường là vào khoảng 1 năm. Và nếu bệnh nhân đã xuất hiện những di chứng, thì nên cho bệnh nhân tập luyện vật lý trị liệu, tạo đồ dùng cá nhân phù hợp với bệnh nhân.

Hiện nay chưa có vacxin dự phòng bệnh, nên việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là vô cùng cần thiết để tránh những biến chứng của nó.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây