Thoái hóa khớp - Căn bệnh thường gặp ở tuổi già

13/12/2022 15:25 | Bệnh thường gặp
- Thoái hóa khớp là căn bệnh mạn tính của các khớp xương, đặc trưng của bệnh là sự phá hủy sụn khớp, quá sản tổ chức xương ở xung quanh khớp tạo nên gai xương cùng những thay đổi khác. Đây là 1 trong những căn bệnh thường gặp nhất của khớp.
Thoái hóa khớp thường do nguyên nhân gì và hay gặp ở những đối tượng nào?
Bệnh gặp ở hầu hết các chủng tộc, quốc gia trên thế giới, tuy nhiên bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, thừa cân. Các triệu chứng xuất hiện từ những năm 40, 50 tuổi, cho đến 80 tuổi thì hầu hết mọi người đều có triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, những người trẻ hơn cũng có thể mắc thoái hóa khớp. Nguyên nhân ở đây không phải là do vấn đề tuổi tác, mà là do những nguyên nhân mắc phải như chấn thương nặng ảnh hưởng đến khớp, bất thường về giải phẫu (như loạn sản xương hông), rối loạn chuyển hóa (như bệnh Wilson, bệnh ứ sắt), các bệnh lý có tính chất di truyền, bệnh lý nội tiết và thân kinh cũng có thể gây thoái hóa khớp.
thaoi oa kho 1

Triệu chứng của thoái hóa khớp gồm những gì?
Các triệu chứng của thoái hóa khớp phụ thuộc vào vị trí khớp bị tổn thương
      Các khớp ngoại vi như khớp bàn tay, cổ tay, …
-      Biểu hiện sớm nhất và chủ yếu của bệnh là đau, đau tăng lên khi bệnh nhân vận động, đặc biệt là khi vận động quá sức như đi bộ xa, mang vác vật nặng , đau giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Tuy nhiên một điều lưu ý là đau ít khi xuất hiện vào ban đêm, nếu có thì có thể bệnh nhân đang trong tình trạng thoái hóa khớp tiến triển kèm theo viêm màng hoạt dịch. Chính vì đau, cộng thêm các biến đổi về cấu trúc của khớp, làm bệnh nhân hạn chế hoạt động chính khớp đó. Ví dụ như thoái hóa khớp gối thì khó quỳ hoặc ngồi xổm, thoái hóa khớp háng thì khó mặc quần hay cắt móng chân …
-       Cứng khớp cũng là một triệu chứng thường có, cứng khớp thường xảy ra sau một khoảng thời gian mà bệnh nhân không vận động. Nếu có triệu chứng này thì bệnh nhân cần đi khám để loại trừ các bệnh lý viêm khớp. Ngoài ra có thể thấy dấu hiệu phá gỉ khớp.
-       Khi thăm khám lâm sàng, có thể phát hiện các triệu chứng khác như: sưng khớp do tràn dịch khớp hoặc mọc chồi xương; tiếng lạo xạo khi khớp vận động; và biến dạng khớp ở giai
đoạn muộn với các hình ảnh đặc trưng như hạt Heberden ở khớp xa của các ngón, hoặc hạt Bouchard ở khớp gần của các ngón.
      Khớp cột sống: Cột sống thường bị thoái hóa ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng, do đây là những vị trí chịu áp lực nhiều nhất trong quá trình sinh hoạt. Bệnh nhân thường bị đau ở vùng khớp tổn thương, đau có thể lan xuống tay hay lan xuống mông và phần trên của đùi. Bệnh có thể gây nên tình trạng hẹp ống sống, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, như gây nên đau cách hồi thần kinh, đau kiểu rễ thần kinh ở một bên. Nặng hơn, có thể xuất hiện tình trạng chèn ép tủy cổ, làm liệt hai chân của bệnh nhân.
thaoi oa kho 2

Các xét nghiệm gì thường làm với thoái hóa khớp?
Bệnh nhân sẽ được chụp một phim Xquang khớp gối để thấy những hình ảnh đặc trưng của thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên cần lưu ý hình ảnh trên phim Xquang không phản ánh hoàn toàn đúng tình trạng tổn thương nặng nhẹ của bệnh. Nếu có tình trạng tổn thương cột sống, thì cần sử dụng MRI để đánh giá tổn thương của đĩa đệm và hẹp ống sống. 
Ngoài ra, nếu có phát hiện tràn dịch khớp, thì nên siêu âm khớp gối. Với thoái hóa khớp đơn thuần, thì công thức máu của bệnh nhân sẽ không có gì biến đổi, xét nghiệm dịch khớp cũng sẽ thấy dưới 1000 tế bào/mm khối, và không tìm thấy vi tinh thể. 
Thoái hóa khớp là một chẩn đoán loại trừ. Để chẩn đoán bệnh cần kết hợp các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, kèm theo hình ảnh Xquang, không thấy triệu chứng viêm hoặc có viêm vừa phải ở xét nghiệm máu và dịch khớp, và không có thay đổi toàn trạng bệnh nhân cũng như không có tổn thương các cơ quan khác kèm theo.
Điều trị thoái hóa khớp như thế nào?
Mục tiêu của điều trị thoái hóa khớp nhằm giảm đau và cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân thông qua các biện pháp làm giảm viêm, cải thiện tình trạng yếu cơ, sự lỏng lẻo và không ổn định của khớp. Điều trị sẽ gồm các biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc do bác sĩ chỉ định:
-      Điều trị không dùng thuốc: Gồm các bài tập làm tăng sức mạnh cho cơ quanh khớp. Giảm sức ép lên khớp bằng tránh các hoạt động gây đau khớp, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như đai, nẹp, gậy hay nạng. Và quan trọng nhất là giảm cân để làm giảm tải trọng cho các khớp ở chân như khớp háng, khớp gối.
-       Điều trị bằng thuốc: Các nhóm thuốc mà bệnh nhân thường được sử dụng đó là: Các thuốc giảm đau như Paracetamol, thuốc chống viêm NSAID, thuốc chống thoái hóa khớp như các chế phẩm Glucosamin và Chondroietin, Diacerin. Nếu có viêm và tràn dịch khớp, tiêm nội khớp Corticosteroid cũng có thể được chỉ định. Một hướng đi nhiều triển vọng khác là sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc để điều trị thoái hóa khớp.
-       Tuy nhiên, khi điều trị nội khoa và bảo tồn không có hiệu quả, bệnh nhân đau và mất chức năng vận động nhiều thì phẫu thuật thay khớp sẽ được chỉ định.
 
thaoi oa kho 3

Các biện pháp nào có thể làm giảm nguy cơ bị thoái hóa khớp?
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế sự xuất hiện của bệnh, tuy nhiên cần lưu ý rằng, chưa có giải pháp nào thực sự được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng chống và làm giảm thoái hóa khớp 
-      Tránh hoạt động sai tư thế, đặc biệt là trong các hoạt động gắng sức.
-      Tránh các chấn thương xảy ra tại khớp, nhất là khớp gối.
-      Giảm cân để làm giảm áp lực tác động lên khớp.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây