Tiêu chảy cấp do Rotavirus nguy hiểm như thế nào?

- Tiêu chảy cấp là một bệnh hay gặp trong 2 năm đầu của trẻ, cao nhất ở nhóm trẻ 6-11 tháng tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất là do Rotavirus. Tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm mùa khô lạnh có tỷ lệ cao hơn ở các nước nhiệt đới như nước ta.
Tiêu chảy cấp là gì?

Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần một ngày.

Tiêu chảy cấp là đợt tiêu chảy khởi đầu cấp tính, kéo dài không quá 14 ngày.

Bệnh có thể do vi khuẩn, virus, amip,… Trong đó virus là nguyên nhân thường gặp nhất, gồm Rotavirus (90%), Adenovirus, Norwalk virus,…

Đường lây truyền phổ biến là đường phân-miệng, virus từ phân của trẻ mắc bệnh có thể theo tay, đồ vật,… qua miệng vào đường tiêu hóa gây bệnh.
 
tiu chay 1

Tiêu chảy cấp do Rotavirus có triệu chứng gì?

Trẻ thường khởi đầu với triệu chứng nôn, có thể vài lần một ngày hoặc nôn liên tục.

Sau đó là đi ngoài phân lỏng, tóe nước, nhiều lần, khoảng 10-15 lần/ngày, thường không lẫn nhầy, lẫn máu.

Trẻ có thể sốt cao, cũng có thể không sốt.

Đi ngoài nhiều khiến trẻ mất nước, có các triệu chứng của mất nước: kích thích, vật vã, lơ mơ, uống háo hức,… tùy vào tình trạng mất nước của trẻ, mất nước nặng có thể gây rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, nguy hiểm đến tính mạng.

Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?

Chẩn đoán bệnh và mức độ mất nước thường dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của trẻ.

Để chẩn đoán nguyên nhân, test nhanh Rotavirus được bác sĩ chỉ định.

Công thức máu được làm để đánh giá thêm về tình trạng mất nước của trẻ, điện giải đồ để đánh giá rối loạn điện giải, khí máu khi nghi ngờ có toan chuyển hóa.

Điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, mất nước gây nên tình trạng nặng của trẻ. Vì vậy, bù nước và điện giải là quan trọng nhất.

Nếu trẻ được đánh giá không có mất nước, trẻ có thể được điều trị tại nhà. Trẻ được uống oresol dự phòng mất nước theo phác đồ A của Tổ chức Y tế thế giới. Đối với trẻ dưới 24 tháng, cho trẻ uống 50-100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài, trẻ 2-10 tuổi uống 100-200ml, và uống cho đến khi hết khát với trẻ trên 10 tuổi.

Trẻ có mất nước được bù nước và điện giải theo phác đồ B tại cơ sở y tế. Uống oresol trong 4 giờ với số lượng tính bằng cân nặng nhân 75ml. Nếu trẻ nôn quá nhiều, bụng trướng, tốc độ tiêu chảy lớn (10ml/kg/giờ) thì được truyền tĩnh mạch.

Trẻ mất nước nặng được truyền dịch theo phác đồ C tại cơ sở y tế, số lượng là 100ml/kg cân nặng.
 
tiu chay 2

CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG BỆNH?

Mùa đông đang tới, là thời điểm thuận lợi cho bệnh, vì vậy cha mẹ bên cạnh việc cho trẻ đi khám ngay khi có triệu chứng để tránh các biến chứng nặng, thì phòng bệnh chính là một biện pháp hiệu quả.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa nên cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ khi chuẩn bị đồ ăn, khi cho trẻ ăn. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót cho trẻ, chăm sóc trẻ để tránh lây truyền virus. Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

Uống vaccine phòng tiêu chảy do Rotavirus có hiệu quả tốt. Uống 2 liều, liều 1 uống lúc 4 tuần tuổi, liều 2 uống trước 6 tháng tuổi, giúp trẻ có thể hoàn tất lịch tiêm từ 10 tuần – 24 tuần tuổi, do đó tạo miễn dịch trước giai đoạn nguy cơ cao nhất là 6-11 tháng tuổi.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây