Những biến chứng của bệnh sỏi thận như thế nào ?

16/12/2022 09:01 | Bệnh thường gặp
- Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp, ở Việt Nam bệnh lý này chiếm khoảng 45-50% trong khoa tiết niệu. Bệnh hay gặp ở nam giới hơn nữ giới, với tỉ lệ nam là 60% và nữ là 40%, thường gặp trong lứa tuổi 30-60 tuổi.
Sỏi thận là hiện tượng những chất như calci, acid uric,... lắng đọng tại thận hình thành những hạt gọi là sỏi. Sỏi có thể di chuyển xuống dưới gây nên tắc nghẽn đường tiết niệu gây biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương thận,...
Những biến chứng của bệnh sỏi thận như thế nào 1
(Nguồn: medlatec.vn)
Sỏi thận hình thành do những nguyên nhân nào?
Một số nguyên nhân gây ra sỏi thận gồm:
•    Rối loạn chuyển hóa canxi dẫn tới tăng canxi máu và canxi niệu, từ đó canxi lắng đọng và hình thành sỏi.
•    pH của nước tiểu thay đổi, tạo điều kiện hình thành các chất kết tinh tạo sỏi.
•    Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc mắc phải, cản trở đường đi của nước tiểu, từ đó gây ứ trệ nước tiểu cũng tạo điều kiện để các chất lắng đọng lại.
•    Tăng canxi do cường cận giáp, do chế độ ăn, do mất nước, bất động,....
•    Và nhiều trường hợp chưa xác định được nguyên nhân.
Sỏi thận có triệu chứng gì?
Khi sỏi chưa gây tắc nghẽn, người bệnh có thể chỉ đau âm ỉ vùng thắt lưng. 
Khi sỏi đã gây tắc nghẽn thì triệu chứng đau dữ dội hơn, gọi là cơ đau quặn thận. Cơn đau có đặc điểm xuất hiện đột ngột, đau dữ dội ở vùng thắt lưng, đau lan xuống hố chậu tới bìu. Vì tắc nghẽn nên nước tiểu không xuống được, gây triệu chứng thiểu niệu nếu tắc một bên, và vô niệu nếu tắc cả 2 bên thận. Sỏi di chuyển gây đái máu hoặc gây nhiễm khuẩn thì cũng gây ra đái máu. 
Khi sỏi gây nhiễm trùng thì toàn thân có thể có sốt cao, mệt mỏi. Nếu gây biến chứng suy thận thì có thể lơ mơ, thậm chí là hôn mê.
Khi thăm khám có thể thấy thận to, chạm được thận, hoặc nghiệm pháp vỗ hông lưng dương tính khi thận bị ứ mủ.
Chẩn đoán sỏi thận có những xét nghiệm gì?
Đối với những sỏi cản quang thì chụp Xquang hệ tiết niệu không chuẩn bị có thể thấy được sỏi, số lượng sỏi, hình dạng sỏi, vị trí sỏi, và một số hình ảnh gián tiếp như bóng thận to.
Trên siêu âm có thể thấy sỏi với hình ảnh đậm âm và có bóng cản âm phía sau, và cũng có thể quan sát thận để định hướng về khả năng có ứ nước hay ứ mủ thận.
Một xét nghiệm cận lâm sàng cho biết được cả hình thể, vị trí sỏi cũng như chức năng thận đó là chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV).
Hiện nay, đánh giá chính xác nhất đó là dùng chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ có thể đánh giá được chính xác chức năng, hình thái của thận, cũng như hình dạng, vị trí của sỏi. Đây là cận lâm sàng có giá trị nhất hiện nay.
Ngoài ra, các xét nghiệm máu như điện giải đồ, ure và creatinin được chỉ định để đánh giá chức năng của thận. Chính xác hơn là đánh giá hệ số thanh thải hay chụp nhấp nháy đồ với đồng vị phóng xạ sẽ đánh giá được các phần nhu mô nào của thận còn chức năng. Xét nghiệm công thức máu xem số lượng bạch cầu, CRP,... để xem có tình trạng nhiễm trùng do sỏi không, nếu có thì các chỉ số này tăng cao. Có thể làm xét nghiệm canxi máu, canxi niệu, acid uric,... đây là các loại sỏi hay gặp.
Những biến chứng của bệnh sỏi thận như thế nào 2
 (Nguồn: https://www.msdmanuals.com)
Sỏi có thể gây ra biến chứng gì?
Với các triệu chứng như trên thì sỏi thận có thể gây ra các biến chứng sau:
       Biến chứng nhiễm khuẩn: do sỏi di chuyển gây tổn thương niêm mạc đường tiết niệu, do đó vi khuẩn dễ xâm nhập qua chỗ tổn thương gây nhiễm khuẩn ở nhu mô thận (viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận), có thể gây ra ứ nước, ứ mủ, áp xe ở thận. Thậm chí có thể tổn thương xung quanh thận như xơ hóa, tổn thương hệ thống cạnh tiểu cầu thận. Nếu nhiễm khuẩn theo đường máu lan ra toàn thân có thể gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.
       Biến chứng suy thận: hay gặp do sỏi gây tắc nghẽn hoàn toàn. Nước tiểu bị chặn đường ra, ứ đọng ở phía trên có thể gây giãn đài bể thận, sau đó có thể tiến triển thành suy thận cấp, cực kỳ nguy hiểm trong những trường hợp bệnh nhân sỏi cả hai bên thận, có một thận,....
Điều trị sỏi thận như thế nào?
Sỏi thận nhỏ hoặc sỏi ở đài dưới không gây triệu chứng thì có thể không cần can thiệp. Còn lại thì phải can thiệp. Có thể tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, có những trường hợp phải mổ lấy sỏi, cụ thể về các phương pháp sẽ trình bày ở bài viết khác. Tùy kích thước, vị trí, hình dạng và số lượng sỏi cũng như tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp thích hợp. 
Nên làm gì để phòng bệnh?
Để phòng bệnh thì chúng ta nên uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều canxi, oxalat như sữa, phomat, chè,... , thức ăn nhiều đạm gây tăng acid uric cũng là một nguyên nhân có thể gây sỏi thận.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây