Trẻ sơ sinh bị vàng da có đáng lo?

- Tuy tình trạng vàng da khá phổ biến đối với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non tháng, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn rất hoang mang khi thấy con có hiện tượng này.
Theo thống kê, có 50% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non gặp phải tình trạng vàng da. Nguyên nhân gây vàng da là do bilirubin máu tăng trên giới hạn bình thường, dẫn đến những biểu hiện lâm sàng chung như như da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng. 
Vàng da ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Cụ thể như sau:
Vàng da sinh lý
- Thường bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
- Sẽ tự hết trong vòng 7-10 ngày.
- Thường chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn.
- Trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì. 
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Trẻ sơ sinh bị vàng da có đáng lo 1
Vàng da bệnh lý
- Hiện tượng vàng da xuất hiện sớm, ngay trong 1-2 ngày đầu tiên sau khi chào đời
- Vàng da lan nhanh, không chỉ ở mặt, kết mạc mắt mà lan nhanh đến tay, chân, bụng.
- Bị vàng da kèm thêm những triệu chứng tăng nặng như: bỏ bú, bú kém, ngủ li bì, nôn trớ, khóc quấy, phân bạc màu.
- Sau 2 tuần (đối với trẻ đủ tháng) hoặc 3 tuần (đối với trẻ non tháng) mà hiện tượng vàng da không hết.
Làm sao để phát hiện trẻ bị vàng da?
Vàng da biểu hiện sớm nhất ở kết mạc mắt và mặt, sau đó sẽ lan dần xuống phần ngực, bụng (nếu nặng hơn). Do vậy, để xác định chắc chắn, cha mẹ nên xem màu da của con dưới ánh sáng tự nhiên, dùng ngón tay ấn vào da trong khoảng 5 giây rồi buông ra để nhìn màu da của bé. 
Nguyên nhân gây vàng da
Như đã nói, tác nhân chính gây vàng da cho trẻ là do nồng độ bilirubin máu tăng trên giới hạn bình thường. Vậy tại sao nồng độ này lại tăng? Có thể là do một trong số các nguyên nhân sau:
- Cơ thể trẻ đột ngột tăng sản xuất bilirubin do: bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con; bệnh lý bẩm sinh khiến hồng cầu dễ vỡ như thiếu men G6DP, gen Thalassemia..; trẻ bị va chạm gây ra vết bầm tím lớn.
- Ruột gặp vấn đề khiến máu bị tái hấp thu bilirubin từ ruột nhiều hơn, ví dụ: hẹp môn vị bẩm sinh, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột non, tắc ruột phân su.
- Cơ thể trẻ bị suy giảm chức năng chuyển hóa bilirubin, thường do: sinh non, thiếu hoocmon, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Gilbert, hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Gilbert.
- Bú sữa mẹ không đủ khiến trẻ thiếu nước, thiếu năng lượng dẫn đến tái hấp thu bilirubin từ ruột vào máu. 
Trẻ sơ sinh bị vàng da có đáng lo 2
Cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị vàng da
Trước tiên, khi cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu vàng da, cha mẹ cần theo dõi diễn tiến vàng da: vùng vàng da tới vị trí nào, ở ngày tuổi thứ mấy, có triệu chứng kèm theo hay không. Sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ tiến hành điều trị.
Đối với vàng da sinh lý, bác sĩ thường dùng biện pháp chiếu đèn, sử dụng đèn chuyên dụng ánh sáng xanh để điều trị. Phương pháp này khá đơn giản, trẻ sẽ đeo bịt mắt và mặc bỉm, sau đó được chiếu đèn cường độ ánh sáng thích hợp trực tiếp lên da và theo dõi quá trình này. Liệu pháp này vừa không gây khó chịu cho trẻ mà chi phí cũng không quá cao. 
Vàng da sinh lý thường sẽ hết sau tối đa 10 ngày, trong khoảng thời gian đó, cha mẹ không cần quá hoang mang, ngoài chiếu đèn còn cần tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ để sớm đào thải bilirubin. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần theo dõi sát sao để tránh tình trạng diễn tiến nặng mà không xử lý kịp. 
Trẻ sơ sinh bị vàng da có đáng lo 3
Một trong những biến chứng của vàng da sinh lý là vàng da nhân, đó là khi lượng bilirubin quá cao, tấn công não gây tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của trẻ sau này.
Đối với trường hợp vàng da bệnh lý, nếu không đáp ứng phương pháp chiếu đèn thì bác sĩ sẽ cân nhắc thay máu bán phần hoặc thay máu toàn phần. Vàng da bệnh lý nếu không xử lý để ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng cực kỳ nguy hiểm như bilirubin não cấp tính, cũng gây những tổn thương và ảnh hưởng không thể phục hồi cho não bộ.
Kết
Như vậy, việc phát hiện trẻ có dấu hiệu vàng da, cha mẹ cần bình tĩnh quan sát các biểu hiện khác và sớm đưa trẻ đi khám. Nếu thuộc về dạng vàng da sinh lý, trẻ sẽ sớm hết và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu thuộc dạng vàng da bệnh lý, cha mẹ hãy tuân thủ tuyệt đối phương pháp điều trị của bác sĩ chuyên môn để con nhanh chóng hồi phục, không để lại di chứng xấu sau này.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây