Viêm bàng quang cấp, nguyên nhân nào gây viêm bàng quang cấp ?

09/12/2022 18:35 | Bệnh thường gặp
- Viêm bàng quang cấp là một bệnh lý hay gặp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới, theo thống kê có khoảng 50% phụ nữ trưởng thành có ít nhất 1 lần bị viêm bàng quang cấp.
Viêm bàng quang cấp là gì?

Bàng quang là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, bàng quang có thể coi là một túi rỗng chứa nước tiểu từ thận theo niệu quản chảy xuống, và đẩy nước tiểu ra ngoài theo niệu đạo.

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị vi trùng tấn công, gây viêm. Thường do vi khuẩn E.Coli, Klebsiella, Proteus,... gây nên.
 
VBQ 2

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh là gì?

Theo nghiên cứu, những người có yếu tố sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn: 
•    Phụ nữ có nguy cơ cao hơn do đường tiết niệu gần với hậu môn, âm đạo.
•    Quan hệ tình dục cũng làm tăng nguy cơ, do quan hệ có thể làm tổn thương niệu đạo, giúp vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. 
•    Sau mãn kinh, niêm mạc mỏng hơn do sự thay đổi của nội tiết tố, do vậy dễ bị tổn thương hơn.
•    Phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới làm cản trở dòng tiểu, ứ đọng nước tiểu cũng làm tăng nguy cơ.
•    Các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, dùng thuốc ức chế miễn dịch,...

Viêm bàng quang cấp có triệu chứng gì?

Người bệnh thường có sự thay đổi về tiểu tiện như tiểu nhiều lần trong ngày, số lượng nước tiểu một lần ít (còn gọi là đái rắt) và có cảm giác đau rát khi tiểu (còn gọi là đái buốt).

Tính chất nước tiểu cũng thay đổi, bệnh nhân có thể có tiểu máu, thường là máu ở cuối bãi, hoặc toàn bãi, nước tiểu cũng có thể có màu đục và có mùi hôi.

Kèm theo đau bụng vùng hạ vị, tương ứng với vùng bàng quang.
 
VBQ 1

Chẩn đoán viêm bàng quang cấp thế nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định tổng phân tích nước tiểu để phát hiện hồng cầu, bạch cầu, nitrit, trụ niệu trong nước tiểu, đây là các dấu hiệu của nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu.

Cấy nước tiểu để tìm loại vi khuẩn, sau đó làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh có hiệu quả với vi khuẩn đó. Nhiều trường hợp cấy ra vi khuẩn nhưng không có triệu chứng trên lâm sàng, được gọi là có vi khuẩn trong nước tiểu không triệu chứng, và không cần điều trị.

Ngoài ra làm công thức máu để xem số lượng bạch cầu, nó thường tăng, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính thường tăng, chỉ số CRP trong sinh hóa máu để xem tình trạng viêm.

Bệnh được điều trị như thế nào?

Bệnh nhiễm khuẩn nên kháng sinh là lựa chọn hàng đầu. Kháng sinh thường được sử dụng là các nhóm nitrofurantoin, betalactam, aminoglycosid,...

Có thể làm gì để dự phòng bệnh không?

Để phòng bệnh chúng ta có thể thay đổi trong thói quen sinh hoạt như uống nhiều nước, khi buồn tiểu không nên nhịn, sau khi đi vệ sinh nên lau rửa từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo,sau quan hệ tình dục nên đi tiểu tiện.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây