Bệnh Sởi có nguy hiểm không ?

15/12/2022 09:38 | Bệnh thường gặp
- Sởi hay gặp vào cuối đông đầu xuân. Tuy ít có trường hợp tử vong, nhưng bệnh thường có nhiều biến chứng xảy ra với bệnh nhân.
Sởi là bệnh gì?
Sởi là một bệnh cực kỳ dễ lây lan, nguyên nhân là do nhiễm Paramyxovirus. Sau khi mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời với bệnh, riêng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể có miễn dịch với bệnh nhờ miễn dịch thụ động truyền từ mẹ.
Bệnh Sởi có nguy hiểm không 1
(Nguồn: Cục Y tế Dự phòng)

Sởi lây lan như thế nào?
Bệnh lây qua đường hô hấp, chỉ lây từ người sang người do bệnh nhân sởi là ổ chứa mầm bệnh duy nhất. Bệnh lây lan mạnh nhất vào 1 đến 2 ngày trước khi mọc ban sởi, và 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh lây qua người lành chưa mắc bệnh khi họ tiếp xúc với chất tiết từ mũi, họng, miệng của bệnh nhân. Còn khi ban đã bay đi thì sởi không lây lan nữa.
Triệu chứng của sởi gồm những gì? Có thể có biến chứng gì?
Như các bệnh truyền nhiễm khác, sởi gồm có các giai đoạn như sau
-       Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài khoảng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc tác nhân gây bệnh, bệnh nhân không có triệu chứng.
-       Thời kỳ khởi phát: Kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày với các triệu chứng như: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, viêm kết mạc gây nên đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng phù kết mạc và mi. Bệnh nhân sốt từ từ, tăng dần đến 39 40 độ C cho đến khi phát ban. Ở thời kỳ này, có thể thấy 1 dấu hiệu đặc trưng của bệnh, đó là dấu hiệu Koplik: những hạt trắng xung quanh lỗ tuyến Stenon (đối diện răng số 6 hàm trên), thường chỉ tồn tại 12 đến 16h vào ngày thứ 2 của sốt.
-       Thời kỳ toàn phát: Một ban sởi điển hình là ban hồng, không ngứa, mọc theo thứ tự từ đầu mặt cổ, tới tai, rồi tới thân mình, cuối cùng là ở chân. Khi ban mọc cũng là lúc sốt giảm dần, sau khi ban mọc 4 đến 5 ngày (thời điểm ban mọc toàn thân) thì bệnh nhân hết sốt. Vì thế, nếu bệnh nhân có sốt kéo dài, rất có thể là bệnh nhân đã bị bội nhiễm.
-       Thời kỳ lui bệnh: Từ khoảng ngày thứ 4, ban mất dần để lại vết màu nâu trên da (vết lằn da hổ), rồi hết dần.
Bệnh thường kéo dài tổng cộng khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, có thể xuất hiện các biến chứng như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, viêm não-màng não, viêm các tạng trong ổ bụng… Những biến chứng này có thể dẫn tới tình trạng nặng, có thể tử vong.
Sởi cần làm xét nghiệm gì?
-       Sởi chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng và tiền sử của bệnh nhân, đó là: bệnh nhân chưa mắc sởi bao giờ, có tiếp xúc nguồn lây trong vòng 10 ngày trước đó, kèm theo các triệu chứng của sốt, viêm long đường hô hấp trên, triệu chứng ở mắt, và phát ban dạng dát toàn thân.
-       Chẩn đoán chắc chắn mắc bệnh khi tìm được virus trong dịch tiết phế quản, nhưng thường chỉ làm trong vòng 5 ngày đầu. Sau thời gian đó, có thể sử dụng huyết thanh chẩn đoán
Điều trị sởi như thế nào?
Với những trường hợp sởi thông thường, không có biến chứng nào thì chỉ cần sử dụng hạ sốt nếu cần, với bệnh nhân dưới 20 tuổi, không nên sử dụng Aspirin do có thể gây nên hội chứng Reye. Ngoài ra thì nên bù dịch trong giai đoạn đầu, và bổ sung vitamin A cho bệnh nhân và tránh nước tránh gió.
Với sởi có biến chứng thì bệnh nhân cần vào viện để điều trị tích cực hơn. Tùy vào tạng tổn thương mà sẽ có cách điều trị riêng biệt.
Phòng bệnh sởi như thế nào?
Phòng bệnh không đặc hiệu bằng các cách như sau: Cách ly bệnh nhân. Nếu có tiếp xúc với bệnh nhân sởi thì có thể tiêm Globulin miễn dịch.
Phòng bệnh đặc hiệu bằng cách tiêm vắc xin sởi với trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi, chưa được tiêm. Bệnh nhân sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin sởi để tạo miễn dịch suốt đời với sởi.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây