Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng tới em bé và có thành mãn tính ở mẹ?

- Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng không dung nạp đường xuất hiện trong thai kỳ, hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng tăng trên toàn thế giới. Nhìn chung thì khoảng 10% thai phụ có xảy ra tình trạng này, tăng lên ở một số thai phụ có những yếu tố nguy cơ như: người thừa cân, béo phì, mang thai khi đã lớn tuổi, đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trước đó. Vấn đề quan trọng nhất của đái tháo đường thai kỳ là khả năng gây nên những ảnh hưởng xấu về kết cục sản khoa cho cả mẹ lẫn con, gồm có: tăng tỷ lệ tử vong chu sinh và dị tật đối với trẻ, nguy cơ mắc các bệnh lý khác cho mẹ.
Những ảnh hưởng của bệnh gây ra cho con

Khi đường máu của mẹ tăng quá cao sẽ làm tăng đường máu gián tiếp cho thai nhi. Dẫn đến hậu quả là thai to so với tuổi thai. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 15-45% thai to có mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ. Từ thai to sẽ gây ra một loạt các vấn đề sau đây:
- Thai to có thể bị đột tử trong tử cung dù không có bất thường nào khác về phía thai..
- Thai bị giới hạn tăng trưởng trong tử cung do giảm trao đổi qua nhau thai.
- Các cơ quan của thai như phổi, gan, hệ thần kinh, trục tuyến yên-tuyến giáp… thường trưởng thành chậm hơn bình thường
- Quá trình chuyển dạ của thai to chứa nhiều nguy cơ hơn so với bình thường. Trong đó đáng quan ngại nhất chính là biến chứng kẹt vai. Làm tăng tỷ lệ tử vong sơ sinh do ngạt, tổn thương hành não. Làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay dưới 2 dạng liệt Erb và liệt Klumpke. Và các tổn thương khác như gãy xương đòn, tổn thương cơ ức đòn chũm tạm thời hoặc vĩnh viễn, gãy xương cánh tay.
- Nguy cơ thai nhi bị dị tật, nhất là bất thường tim và các chi. Khi trẻ đẻ ra có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh, mắc đái tháo đường do di truyền, thiểu năng tâm thần-thần kinh.
 

Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ

Bệnh gây ra nguy cơ tiền sản giật gấp 2 lần so với những thai kỳ bình thường. Gây ra tình trạng đa ối, dẫn đến hệ quả như nhau bong non, chuyển dạ sinh non, đờ tử cung sau sinh. Tình trạng đường máu cao cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thường gặp là nhiễm khuẩn tiết niệu và viêm âm đạo do nấm. Ngoài ra bệnh còn gây thai to, làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai.

Và từ đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ rất cao khiến thai phụ mắc đái tháo đường type 2 sau này (50%). Tỷ lệ tái phát đái tháo đường ở thai kỳ lần sau cũng lên tới 30-50%
 
Phòng tránh tác hại của bệnh đối với mẹ và con

Phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ là giải pháp tốt nhất để phòng tránh những tác hại trên. Chính vì thế mà tất cả các thai phụ đều nên thực hiện tầm soát đái tháo đường, thường là vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Với những trường hợp đã mắc bệnh thì cần có chế độ kiểm soát tốt đường máu. Chế độ ăn hằng ngày của thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ nên được kiểm soát chặt chẽ về lượng đường và chất béo hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, các thai phụ nên siêu âm thường xuyên để tìm các dị tật thai nhi liên quan đến đái tháo đường thai kỳ, theo dõi các biến chứng khác của thai nhi bằng cách đếm cử động thai, thực hiện non-stress test, stress test…

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây