Một số biện pháp giúp dự phòng tiền sản giật cho thai phụ

- Trong suốt quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, không phải bà mẹ nào cũng được sinh nở thuận lợi mẹ tròn con vuông. Việc bà mẹ mang thai tới ngày sinh nở là cả một quá trình chăm lo cả về thể chất tới tinh thần, không ít bà mẹ gặp nhiều rắc rối trong quá trình mang thai: có thể tiền sản giật, tăng huyết áp, ngộ độc thai nghén, tiểu đường và rất nhiều biến chứng khác nữa. 
Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể dẫn đến tiền sản giật - sản giật là những bệnh lý diễn biến nặng, phức tạp, dẫn đến kết cục sản khoa bất lợi cho cả mẹ và con. Vì thế dự phòng tiền sản giật là một trong những mục tiêu lớn của sản khoa. Về mặt lý thuyết, có thể dự phòng tiền sản giật bằng cách can thiệp vào các giai đoạn khác nhau của tiến trình từ tăng huyết áp trở thành tiền sản giật. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận rằng một biện pháp phòng tránh nào là hiệu quả. Một cách tổng quan, tổ chức ý tế thế giới WHO khuyến cáo những biện pháp sau đây có thể sử dụng để phòng chống tiền sản giật, chúng gồm:
Một số biện pháp giúp dự phòng tiền sản giật cho thai phụ 1
Nguồn: https://thuonghieucongluan.com.vn
Aspirin liều thấp cho các thai phụ có nguy cơ cao
Những thai phụ có nguy cơ cao là những thai phụ có ít nhất một đặc điểm sau đây: Đã bị tiền sản giật trước đó, đái tháo đường, tăng huyết áp mãn tính, bệnh lý thận/tự miễn, đa thai. Đối với những thai phụ này, WHO khuyến cáo dùng Aspirin liều thấp, và nên bắt đầu dùng từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất hay trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Còn theo ACOG và MFM (2018), khuyến cáo sử dụng Aspirin liều thấp để dự phòng tiền sản giật ở những thai phụ có nguy cơ cao. Lưu ý, ở những thai phụ có nguy cơ trung bình hoặc thấp khi điều trị dự phòng sẽ đạt hiệu quả kém hơn.
Bổ sung Calcium ở vùng có khẩu phần Calcium thấp
Ở những vùng có khẩu phần thức ăn chứa đầy đủ Calcium thì điều trị này không cho thấy hiệu quả. Nhưng đối với những vùng thiếu, việc bổ sung đầy đủ Calcium mỗi ngày có thể làm giảm mức độ xuất hiện tiền sản giật ở các thai phụ, đặc biệt là những người nguy cơ cao. Cũng cần lưu ý với những thai phụ đang bổ sung sắt, nên sử dụng 2 chất này cách xa nhau khoảng 12 giờ.
Các phương pháp dự phòng không được khuyến cáo
Các biện pháp sau không được WHO khuyến cáo do: không có chứng cứ cho thấy chúng có hiệu quả; hoặc có các chứng cứ cho thấy rằng chúng không hiệu quả.
     - Chất chống oxy hóa như vitamin C, E: các chất trên dù dùng đơn lẻ hay phối hợp thì các chứng cứ hiện có cho phép khẳng định chúng không có hiệu quả dự phòng tiền sản giật.
     - Vitamin D: ngoài việc không có hiệu quả dự phòng bệnh, nếu dùng chung vitamin D với Calcium thì nguy cơ chấm dứt thai kỳ do non tháng tăng lên (Cochrane database 2016).
     - Thuốc lợi tiểu: các thuốc lợi tiểu, đặc biệt là Thiazide không được khuyến cáo để dự phòng tiền sản giật và các biến chứng của nó.
     - Ngoài ra chế độ ăn hạn chế muối, nằm nghỉ tại giường cũng không cho thấy hiệu quả phòng chống tiền sản giật. Chế độ ăn ít đạm, ít năng lượng đối với phụ nữ béo phì không có hiệu quả trong dự phòng tiền sản giật hay tăng huyết áp thai kỳ, mà còn có thể gây ra tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung.

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây