Huyết áp cao và huyết áp thấp ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

21/12/2022 12:00 | Bệnh thường gặp
- Huyết áp là một trong những chỉ số đo lường sức khỏe quan trọng, đo mức độ máu ép lên thành động mạch. Vậy huyết áp cao và huyết áp thấp sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào và làm sao để điều hòa huyết áp của cơ thể?
Mọi người thường đề cập nhiều tới bệnh huyết áp cao vì nó là căn bệnh vô cùng phổ biến và có ảnh hưởng đến rất nhiều người. Tuy nhiên, bệnh huyết áp cao phần lớn có thể phòng ngừa được và được điều trị dứt điểm. Nhưng ít người biết rằng huyết áp thấp cũng nguy hiểm không kém bệnh huyết áp cao. Cho nên việc trang bị những kiến thức cần thiết về nguyên nhân, rủi ro, cách phòng ngừa và điều trị sẽ giúp chúng ta có những biện pháp giữ các chỉ số huyết áp trong phạm vi an toàn. 
1. Huyết áp là gì?
Theo thuật ngữ thông thường, huyết áp là thước đo mức độ máu ép lên thành động mạch khi nó chảy qua cơ thể. Số trên cùng (tâm thu) đo áp suất khi tim đang đập, trong khi số dưới cùng (tâm trương) biểu thị áp suất khi tim nghỉ giữa các lần bơm. Một chút áp lực là tốt và cần thiết để giúp máu các nơi cần đến trong cơ thể.  
Huyết áp cao và huyết áp thấp ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào 1

2. Rủi ro sức khỏe của huyết áp cao
Huyết áp cao có nghĩa là số trên cùng (tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 130 hoặc số dưới cùng (tâm trương) là 80 hoặc cao hơn. Đối với hầu hết mọi người,việc tăng huyết áp là do các yếu tố lão hóa hoặc lối sống không lành mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, cao huyết áp có thể là kết quả của một tình trạng đặc biệt khác như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các vấn đề về tuyến giáp, sử dụng thuốc.
Dù nguyên nhân là gì, huyết áp cao thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, tăng huyết áp thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì nó có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, bệnh động mạch vành cùng các bệnh khác mà không có dấu hiệu báo trước.
3. Những cách tốt nhất để ngăn ngừa huyết áp cao
Như người ta thường nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh, và việc ngăn ngừa huyết áp cao cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chỉ với một vài điều chỉnh trong thói quen hàng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể hạ huyết áp và giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe. 
•    Giảm lượng muối ăn: đây là điều vô cùng quan trọng vì lượng natri dư thừa có thể làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim. 
•    Rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để trái tim không phải làm việc vất vả để bơm máu đến khắp nơi trong cơ thể. 
•    Duy trì cân nặng hợp lý để tránh làm căng tim và hỏng các mạch máu của bạn dẫn đến làm tăng huyết áp.
Huyết áp cao và huyết áp thấp ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào 2

4. Rủi ro sức khỏe của huyết áp thấp
Huyết áp cao là một mối quan tâm lớn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, huyết áp thấp thì không phải lúc nào cũng là vấn đề cần phải lo lắng. 
Về mặt kỹ thuật, bất kỳ chỉ số nào dưới 90/60 được coi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp có thể đơn giản là do di truyền đối với một số người và nó chỉ được coi là nguy hiểm nếu xảy ra đột ngột do nhiễm trùng, mất nước, hoặc đi kèm với các triệu chứng như buồn nôn, ngất xỉu hoặc da lạnh, ẩm.
Như vậy, huyết áp cao là mối lo ngại lớn hơn cho cơ thể con người so với huyết áp thấp nhưng chúng ta không nên chủ quan với bệnh huyết áp thấp. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được những chỉ số về huyết áp, do đó, hãy rèn luyện lối sống an toàn, lành mạnh mỗi ngày để giữ cho các chỉ số huyết áp luôn ở mức phù hợp và giúp trái tim luôn khỏe mạnh. 

  Ý kiến bạn đọc

Tổng hợp các bài viết

Cập nhật liên tục, nhanh chóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây